Học Bác để làm việc tốt hơn
Những năm qua, cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được các tổ chức, cá nhân thực hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Ở lĩnh vực giáo dục, cuộc vận động 'Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo' do Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động đã được đông đảo cán bộ quản lý, nhà giáo trong toàn ngành giáo dục tỉnh Bình Phước hưởng ứng, tích cực tham gia.
Thầy Hoàng Doãn Cảnh, công tác tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (huyện Phú Riềng) và cô Lê Thị Hiền, Trường THCS&THPT Đồng Tiến (huyện Đồng Phú) là 2 tấm gương của ngành giáo dục được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023.
Gương sáng để học sinh noi theo
“Học Bác để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo” chính là quan điểm nhất quán thầy Hoàng Doãn Cảnh đặt ra và nghiêm túc thực hiện. 2024 là năm thứ 14 thầy Cảnh gắn bó với sự nghiệp “trồng người” tại Trường THPT Nguyễn Khuyến. Là giáo viên đứng lớp, đồng thời là Bí thư Đoàn trường nên thầy Cảnh xác định xây dựng nhiều sân chơi bổ ích, tổ chức các hoạt động đoàn phong phú chính là cách để tăng hiệu quả đổi mới giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm. Các chủ điểm được thực hiện theo từng giai đoạn phù hợp đã giúp học sinh vừa tiếp thu tốt kiến thức ở trường vừa có thời gian để vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Em Ngô Thị Thanh Thảo, học sinh của trường chia sẻ: Trường có nhiều sân chơi để chúng em “học mà chơi, chơi mà học”. Từ đó, chúng em nhận được rất nhiều năng lượng tích cực và cùng nhau lan tỏa để tiến bộ.
Thời gian qua, thầy Cảnh đề ra cho mình nhiều giải pháp để việc học và làm theo Bác trở thành những việc làm cụ thể. Đó là tìm hiểu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội dung của Chỉ thị 05, tham gia các cuộc thi… Lấy những câu chuyện, việc làm của Bác để học và làm theo trong điều kiện phù hợp là cách thầy Cảnh xây dựng hình ảnh gương mẫu để học sinh noi theo. Bên cạnh chuyên môn thì đạo đức của người giáo viên ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh. Vì vậy, thầy Cảnh cho rằng: “Mỗi giáo viên cần nâng cao và rèn luyện về phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị để luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Học Bác, tôi đều có những chuyên đề cụ thể hằng năm, đề ra và thực hiện tốt để các em học tập, noi theo”.
Những năm qua, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện tốt, Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Khuyến luôn coi trọng công tác tuyên truyền, lấy tấm gương của Bác về việc tận tụy với công việc để cán bộ, đảng viên, giáo viên noi theo. Đã có nhiều giáo viên của trường vinh dự được nhận giấy khen, bằng khen của các cấp trong học và làm theo Bác. Những điển hình như thế chính là hình ảnh tích cực để lan tỏa phong trào đến học sinh, giáo viên. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Yêu Bác hơn qua những tiết học Văn
Là giáo viên dạy Văn, đồng thời là người con của quê hương Nghệ An, mỗi tiết học Văn của cô Lê Thị Hiền, Trường THCS&THPT Đồng Tiến luôn tràn đầy cảm xúc. Đặc biệt, những tiết học liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thêm tự hào và xúc động. Lồng ghép giữa các kiến thức là những bài hát ngắn, đoạn ngâm thơ về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Mềm hóa trong truyền đạt, học sinh tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng và nhớ lâu. Tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì thế cũng lan tỏa đến các em với muôn vàn cảm xúc và lòng tự hào. Em Nguyễn Thị Thùy Nhung, học sinh của trường cho biết: Nhờ kiến thức cô Hiền giảng dạy mà chúng em hiểu biết nhiều hơn về Bác, đặc biệt là những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Qua những bài học của cô, chúng em càng thêm kính trọng và biết ơn Bác Hồ.
Tiết học ngoại khóa hay trong thư viện, cô Hiền đều hướng dẫn học sinh kể mẩu chuyện về Bác với sự kính trọng và thiêng liêng nhất. Cứ thế, những câu chuyện về Bác được học sinh tiếp nhận một cách tự nhiên, chân thành. Cô Hiền cho biết: “Trong từng bài giảng, thông qua các mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, những câu chuyện về quê hương, gia đình, tôi còn vận dụng để học sinh nêu gương. Những học sinh đạt kết quả học tập tốt, tôi sẽ động viên, khen thưởng… Chính những việc làm nhỏ đó đã góp phần truyền đạt thêm tư tưởng của Bác đến với tất cả học sinh”.
Không chỉ đổi mới trong dạy và học, cô Hiền còn tham gia nhiều hội thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phần thưởng từ các hội thi hay giấy khen các cấp khen tặng chính là thành quả cho những nỗ lực của cô. Từ đó góp phần lan tỏa phong trào đến tất cả mọi người.
“Trong chuyên môn, tôi luôn lấy lời dặn của Bác để phấn đấu. Ngoài ra, tôi học Bác các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, sự khiêm tốn, giản dị. Mỗi ngày học một ít để bản thân tốt hơn từng ngày” - cô Hiền chia sẻ.
“Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức” - lời căn dặn của Bác dành cho các thầy, cô giáo đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Thực hiện lời dạy đó, mỗi tấm gương điển hình như thầy Cảnh, cô Hiền đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc dạy và học, thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Qua đó nâng cao chất lượng giáo dục, viết tiếp truyền thống hiếu học trên quê hương Bình Phước.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/65/153446/hoc-bac-de-lam-viec-tot-hon