Học đều để xét học bạ hay chỉ tập trung những môn thi tốt nghiệp THPT?
Đây là băn khoăn của đa số học sinh bậc THPT khi các phương thức xét tuyển đại học ngày càng nhiều và rộng mở, không còn phụ thuộc duy nhất vào điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã quy định trong Luật Giáo dục Đại học, trong những năm qua, các trường đại học đã đẩy mạnh tự chủ tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 3 năm gần đây, kết quả tuyển sinh của toàn hệ thống có xu hướng giảm dần tỷ trọng trúng tuyển từ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, tăng dần tỷ trọng trúng tuyển từ học bạ và các phương thức khác.
Cụ thể, số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi TPHT quốc gia năm 2017 chiếm 81,5%; năm 2018 chiếm 73,6%; năm 2019 là 62,4% trong tổng số thí sinh trúng tuyển. Trong đó, số thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ năm 2018 chiếm 18%, năm 2019 chiếm gần 30%, còn lại là các phương thức khác (thi đánh giá năng lực, thi năng khiếu, văn hóa, sử dụng chứng chỉ quốc tế…) khoảng 10%.
Số liệu này cũng phù hợp với thực tế các trường đại học mở rộng dần chỉ tiêu tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ. Điều này khiến nhiều học sinh đặt câu hỏi các bạn nên học đều các môn để có học bạ "đẹp" hay học lệch một số môn.
Thầy Trần Minh, Phó hiệu trưởng trường THCS-THPT Đào Duy Anh (TP.HCM), cho biết ngay khi học sinh bước vào ngưỡng cửa THPT. Nhà trường đã định hướng các em phải học đều các môn để thuận lợi cho quá trình xét tuyển đại học bằng kết quả học bạ.
“Đặc thù học sinh trường tư thục thì học lực của các em không bằng học sinh trường công. Do đó, trường yêu cầu các em học đều để có lợi thế điểm học bạ từ lớp 10, 11 chứ không để đến lớp 12 mới lo. Trong quá trình học tập, các em sẽ được hướng dẫn, định hướng thêm tùy theo sự phát triển năng lực học tập của các em”, thầy Minh nói.
Ông cho biết những năm qua, học sinh đậu đại học bằng phương thức xét tuyển học bạ của trường ngày càng nhiều. Năm ngoái, tỷ lệ trúng tuyển đại học bằng xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ đã là 50:50. Dự kiến, năm nay tỷ lệ xét học bạ có thể nhỉnh hơn.
Phương thức xét tuyển học bạ ít áp lực cho các em và phụ huynh. Vì trúng tuyển đại học bằng phương thức nào cũng như nhau, phụ huynh và thí sinh cũng dần cởi mở hơn, không quan trọng hóa là xét bằng học bạ hay điểm thi. Quan trọng quá trình học, các trường còn siết đầu ra.
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) cũng cho biết khi học sinh vào lớp 10, nhà trường đã nhắc nhở các em học đều, không được bỏ bê môn nào.
“Thực ra nếu có xét tuyển học bạ thì vẫn có hình thức lấy điểm học bạ của 3 môn trong một khối xét tuyển nào đó. Nên nếu học sinh học lệch 3 hay 4 môn mà các em có lợi thế ngoài Toán, Văn, ngoại ngữ thì các em vẫn có lợi thế nếu xét điểm thi tốt nghiệp THPT hay xét điểm học bạ”, thầy Phú cho hay.
Theo thầy, sở dĩ trường hướng học sinh học đều các môn vì kiến thức môn nào cũng quan trọng, trường không phân biệt môn chính, môn phụ.
“Đầu năm lớp 12, trường mới bắt đầu định hướng em nào chọn bài thi khoa học xã hội, em nào chọn bài thi khoa học tự nhiên khi thi tốt nghiệp THPT. Từ đó, kết thúc lớp 12, trường sẽ chia học sinh theo bài thi mà các em lựa chọn để ôn thi”, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng dù định hướng xét tuyển bằng kết quả học bạ hay kết quả thi tốt nghiệp THPT để vào đại học, thí sinh vẫn có thể học tập trung vào những môn mà mình có thế mạnh.
“Hiện nay, khi xét tuyển học bạ, đa số các trường đại học công lập đều chọn phương thức xét tổng điểm các môn của một khối thi. Nếu thi tốt nghiệp THPT, chắc chắn thí sinh sẽ chọn những môn thi mình có thế mạnh để xét tuyển đại học. Do đó, nếu học lệch một số môn, thí sinh vẫn có lợi thế khi xét tuyển học bạ lẫn xét điểm thi”, TS Nhân giải thích.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) lại cho rằng: "Với phương thức xét tuyển học bạ THPT, nhiều trường áp dụng xét điểm trung bình 2 học kỳ, 3 học kỳ hoặc 5, 6 học kỳ của tất cả các môn học bên cạnh xét tổ hợp 3 môn lớp 12. Do đó ngoài các môn bắt buộc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các thí sinh cũng nên lưu tâm đến các môn học khác ngay từ sớm để có kết quả điểm học bạ 'đẹp', nhằm tăng cơ hội trúng tuyển và nhận học bổng tuyển sinh cao của các trường đại học".
ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung “Tiếp sức đại học - Vững bước tương lai” nhằm cung cấp cho các sĩ tử hành trang thi cử, tuyển sinh trước thềm vượt vũ môn.
Năm 2021, UEF tiếp tục thu hút thí sinh xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT và dành hơn 50 tỷ đồng mỗi năm để trao các suất học bổng cho tân sinh viên từ 25%, 50% đến 100% học phí.
Trường nổi bật với chương trình đào tạo song ngữ 50% thời lượng học tập tiếng Anh, học thực tế tại doanh nghiệp, trải nghiệm học kỳ quốc tế dành cho mọi sinh viên trúng tuyển bất kể phương thức nào. Thí sinh tham gia xét tuyển vào trường đăng ký tìm hiểu thông tin tại đây.
https://www.uef.edu.vn/