Học được gì từ Hàn Quốc về xuất khẩu văn hóa để đạt được 'quyền lực mềm'?
Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để quảng bá các sản phẩm văn hóa đại chúng và truyền thống của mình - phim ảnh, âm nhạc và trò chơi trực tuyến - nhằm tạo ra Làn sóng Hàn Quốc đang lan rộng, đối trọng với sức mạnh của các sản phẩm văn hóa đại chúng Hollywood, chứng minh rằng không chỉ các quốc gia nói tiếng Anh mới có thể thống trị văn hóa đại chúng toàn cầu.
Nhóm nhạc nam BTS và nhóm nhạc nữ BlackPink, K-drama và Kpop đã trở thành những cái tên quen thuộc, cùng với Samsung, Hyundai, kim chi và bulgogi. Giới trẻ tại nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á chú ý đến văn hóa đại chúng Hàn Quốc.
Thành quả mới nhất của sự đầu tư vào văn hóa đại chúng của Hàn Quốc là bộ phim truyền hình Squid Games giành được sáu giải Emmy trong tổng số 14 hạng mục. Nam diễn viên chính Lee Jung Jae đã tạo nên lịch sử khi là người châu Á đầu tiên đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong thể loại phim truyền hình dài tập.
Năm 2020, bộ phim Hàn Quốc Ký sinh trùng đã giành được bốn giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất, chiến thắng đầu tiên dành cho một bộ phim nước ngoài. BTS công phá nhiều hạng mục quan trọng tại các lễ trao giải âm nhạc lớn nhất nước Mỹ như Billboard Music Awards và American Music Awards. Nhóm có ba năm liên tiếp được đề cử Grammy.
Những vị vua "quyền lực mềm" của Hàn Quốc
Khái niệm quyền lực mềm được Joseph Nye, nhà khoa học chính trị người Mỹ, định nghĩa là “khả năng đạt được những gì bạn muốn thông qua sự hấp dẫn hơn là ép buộc hoặc mua chuộc. Nó phát sinh từ sự hấp dẫn của văn hóa, lý tưởng chính trị và chính sách của một quốc gia”.
“Nền kinh tế Bangtan” là biệt danh dành cho BTS như sự ghi công vì đã đóng góp cho nền văn hóa, nền kinh tế và ngành công nghiệp Hàn Quốc.
Theo Viện nghiên cứu Hyundai năm 2019, hiệu ứng tổng thể của BTS đối với nền kinh tế là 5,56 nghìn tỷ won mỗi năm ở Hàn Quốc (4,9 tỷ USD). Viện dự đoán BTS tạo ra tổng cộng 56 nghìn tỷ won trong 10 năm từ 2014 đến 2023. Ước tính có thêm 7.928 việc làm được tạo ra nhờ mục tiêu Dynamite đạt hạng 1 trong bảng xếp hạng Hot 100 năm 2020.
Về hiệu ứng du lịch, cuộc khảo sát của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc tiết lộ năm địa điểm hàng đầu liên quan đến BTS. Chính quyền thành phố Seoul cũng ghi nhận BTS trong việc hỗ trợ phục hồi ngành du lịch của Seoul.
Nhóm nhạc 7 thành viên đến từ Big Hit Music có tác động đến xuất khẩu hàng tiêu dùng. Cụ thể, BTS có sức ảnh hưởng hàng năm đối với các mặt hàng tiêu dùng như quần áo (2,026 tỷ USD), mỹ phẩm (2,8 tỷ USD) và thực phẩm (3,966 tỷ USD) năm 2019. Họ cũng mang về 600 tỷ won (504 triệu USD) lợi nhuận Hãng xe Hyundai với tư cách là đại sứ toàn cầu của hãng.
Cùng với BTS, Forbes India cho rằng BlackPink đang trở thành trụ cột "quyền lực mềm" của Hàn Quốc nhờ sự nổi tiếng trên toàn cầu. Cuối tháng 7, nhóm vừa hoàn thành hai đêm diễn tại Hà Nội trong chuỗi concert vòng quanh thế Born Pink. Theo Touring Data, BlackPink đã phá kỷ lục chuyến lưu diễn của nhóm nhạc nữ có doanh thu concert cao nhất mọi thời đại dù hành trình chưa kết thúc.
Hannah Waitt, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của moon-ROK, hãng tin Kpop cho biết "Tôi nghĩ Kpop chắc chắn đã kích thích nền kinh tế Hàn Quốc bằng cách khuyến khích du lịch - những người từ khắp nơi trên thế giới yêu thích du lịch Kpop đến Hàn Quốc để xem các buổi hòa nhạc và tận mắt trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc".
Không bỏ qua thị trường tiềm năng
Ông Kim Hyun Beom, giám đốc hàng tiêu dùng tại Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) trả lời trên ABC: “Sự bùng nổ của làn sóng Hallyu đã mang đến một cơ hội mới để quảng bá các sản phẩm của Hàn Quốc.
Sự phổ biến gần đây của ngành công nghiệp văn hóa đại chúng Hàn Quốc như Kpop, K-drama giúp thúc đẩy hàng tiêu dùng Hàn Quốc ở các quốc gia khác một cách tự nhiên".
Một số nhà sản xuất đang kiếm tiền trực tiếp từ sức mạnh văn hóa hiện tại của Hàn Quốc.
Công ty NP Inc của Baek Seung sản xuất công nghệ được sử dụng cho các video Kpop tương đối rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Ông nói mặc dù NP Inc là công ty tư nhân, chính phủ vẫn cung cấp hỗ trợ.
“Chúng tôi đang nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ chính phủ cho hoạt động kinh doanh tạo nội dung và kinh doanh sản xuất các studio, giúp xuất khẩu nội dung như phim truyền hình, Kpop” ông nói.
KOTRA nhìn nhận các ngôi sao của văn hóa đại chúng Hàn Quốc giúp quảng bá sản phẩm của các nhà sản xuất nhỏ của Hàn Quốc, với khuôn mặt của các ngôi sao Kpop in trên bao bì của các sản phẩm K-beauty.
"Chúng tôi đang sử dụng những người có ảnh hưởng để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao nhận thức về sản phẩm và tăng xuất khẩu", ông Kim cho hay.
Nhà kinh tế Kim Gwang Seok nói rằng chính phủ đã đúng khi tập trung vào các thị trường mới. Ông nói: “Sức mạnh kinh tế của Đông Nam Á và Tây Á tiếp tục phát triển.
Ở những khu vực này, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao: “Các quốc gia như Indonesia và Việt Nam có dân số đông nên tiềm năng thị trường rất cao. Chúng tôi không muốn rời bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc, mà muốn duy trì thị trường hiện tại trong khi tập trung vào thị trường mới nổi. Đó là cách để giảm phụ thuộc vào chỉ một quốc gia” – ông Kim nhận định.
Có thể học được gì từ Hàn Quốc về xuất khẩu văn hóa để đạt được "sức mạnh mềm"
Theo các cuộc thảo luận giữa các nghiên cứu sinh tiến sĩ tại NIDA Viện Quản lý Phát triển Quốc gia Thái Lan (NIDA) chỉ ra thành công của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy "quyền lực mềm" của mình là kết quả sự hỗ trợ của chính phủ và chính sách Hallyu (làn sóng Hàn lưu – PV) về xuất khẩu văn hóa, âm nhạc, giải trí và phong cách.
Hallyu đề cập đến sự phổ biến toàn cầu của nền kinh tế văn hóa Hàn Quốc thông qua xuất khẩu văn hóa Kpop, nhạc Kpop, K-drama, phong cách Hàn Quốc.
Punyiga Kajitrabin, biên kịch của Workpoint Entertainment – công ty truyền thông lớn tại Thái Lan cho biết: “Văn hóa kết hợp gà rán với bia ở Hàn Quốc đã tạo ra một xu hướng toàn cầu hóa". Cô ấy nói thêm, tục lệ này bắt đầu từ sê-ri truyền hình tại Hàn và sau đó mọi người theo học theo khi xem các trận đấu bóng đá.
Nói về những trở ngại và hạn chế trong việc tạo ra "sức mạnh mềm", các chuyên gia cho biết điều quan trọng là làm cho nó có thể thích ứng, đo lường được, hữu hình và dễ hiểu.
Indonesia Businesspos nhận định Hàn Quốc đặc biệt thành công trong việc sử dụng “quyền lực mềm” như công cụ ngoại giao. Hàn Quốc đã có thể sử dụng hiệu quả nền văn hóa đại chúng của mình, bao gồm âm nhạc, chương trình truyền hình và phim ảnh, như một cách để xây dựng mối quan hệ với các quốc gia khác và quảng bá hình ảnh tích cực của mình trên trường quốc tế.
Indonesia Businesspos cũng đưa ra một số bài học từ Hàn Quốc mà Indonesia có thể áp dụng khi nói đến chính sách ngoại giao "quyền lực mềm" của mình:
- Cân nhắc sử dụng nhóm nhạc nổi tiếng hoặc diễn viên làm người có ảnh hưởng để lên tiếng về một số vấn đề đang xảy ra ở Indonesia.
- Các giám đốc sáng tạo ở Indonesia thúc đẩy tinh thần của thế hệ trẻ thông qua nhảy múa và âm nhạc để quảng bá Indonesia;
- Giữa các công ty tư nhân và chính phủ nên làm việc cùng nhau để làm cho chính sách ngoại giao "quyền lực mềm" của Indonesia thành công.