Học giả Mỹ: Hòa bình ở Ukraine trong tầm tay với thỏa thuận ngừng bắn 7 điểm
Xung đột tại Ukraine chấm dứt càng sớm sẽ cứu được mạng sống của hàng chục ngàn người và mang lại nhiều điều tốt đẹp khác cho thế giới. Hòa bình lâu dài có thể đạt được nhờ vào một thỏa thuận đình chiến với các điều khoản hợp lý.
Ukraine đứng trước nguy cơ lớn hơn khi xung đột bước vào giai đoạn 3
Vào ngày 21/9/2022, Tổng thống Nga Putin phát biểu trên truyền hình tuyên bố ủng hộ sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine do Nga kiểm soát. Ông cũng kêu gọi động viên lực lượng và lặp lại lời cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga.
Ngay sau phát biểu của ông Putin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev làm rõ ý của ông Putin, khẳng định răn đe hạt nhân của Nga bao trùm lên cả các vùng lãnh thổ của Ukraine bị quân Nga kiểm soát, là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye. Cựu Tổng thống Medvedev cũng tuyên bố ông không tin NATO sẽ phản ứng về mặt quân sự trước leo thang quân sự có giới hạn của Nga ở Ukraine.
Sáp nhập 4 vùng lãnh thổ nói trên sẽ tăng dân số Nga thêm khoảng 6 triệu người và về thực chất đã khép lại giai đoạn “chiến dịch quân sự đặc biệt” - đó là một cuộc xung đột quân sự với mục tiêu giới hạn, sử dụng chỉ một bộ phận nhất định của quân đội Nga. Song nếu Nga thực sự bước vào một cuộc chiến quy mô đầy đủ chống lại Ukraine thì những hậu quả cho đôi bên sẽ nặng nề hơn nhiều và Nga có thể phải dùng tới một số vũ khí phi quy ước (tức vũ khí hạt nhân), có uy lực mạnh nhưng chưa được sử dụng cho tới nay.
Sau khi Ukraine phản công hiệu quả ở Kharkov, một số vị lãnh đạo phương Tây bắt đầu đánh giá quá cao cơ hội giành thắng lợi của Ukraine trong xung đột với Nga. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng lệnh động viên một phần của Tổng thống Putin sẽ không giới hạn vào 300.000 quân như Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố mà có thể huy động tới 1,2 triệu binh sĩ thuộc lực lượng dự bị để giành thế áp đảo tại Ukraine trong một cuộc tiến công lớn vào mùa đông tới, từ đó giúp Nga dứt điểm đối phương vào đầu năm 2023.
Cơ hội ngoại giao vẫn còn, cả Ukraine và phương Tây nên ủng hộ
Có một điểm đáng lưu ý: Một mặt, Nga sẵn sàng leo thang căng thẳng. Mặt khác, Tổng thống Putin bày tỏ họ vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Ukraine.
Trong khi đó, chính quyền Ukraine từ chối gặp gỡ các đại điện của Nga để đàm phán chấm dứt chiến tranh, chủ yếu là vì phương Tây tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, cơ may Ukraine giành thêm lãnh thổ là rất thấp và nếu có đạt được thì điều đó đi kèm với nguy cơ Nga sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
Theo David Pyne - cựu sĩ quan tham mưu Lục quân Mỹ, việc phương Tây gia tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ không đủ để ngăn quốc gia này thoát khỏi thế bị áp đảo trước số lượng quân đông sắp tăng của Nga. Động lực của xung đột quân sự Ukraine vẫn đang chuyển dịch theo hướng có lợi cho Nga. Do vậy, ông Pyne cho rằng đã đến lúc phương Tây giữ chặt những thành quả mới nhất của quân đội Ukraine mới đây thay vì ôm mộng tái chiếm thêm lãnh thổ.
Theo Pyne, chỉ có duy nhất một cách phương Tây có thể ngăn Ukraine thất trận trong vài tháng tới và tránh xung đột hạt nhân với Nga, đó là trở lại với bàn đàm phán.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cần kêu gọi một lệnh đình chiến và một thỏa thuận ngừng bắn. Pyne coi đây là cách để Ukraine bảo tồn hệ thống chính trị - kinh tế của mình cũng như duy trì sự kiểm soát đối với 81% lãnh thổ của họ.
Pyne cho rằng, việc Nga và Ukraine đàm phán sớm một lệnh ngừng bắn lâu dài, tránh leo thang thành xung đột hạt nhân cũng phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Dựa trên các phân tích trên, học giả Pyne đề xuất chính quyền Tổng thống Biden không thực hiện các lệnh trừng phạt kinh tế mới chống lại Nga, ngừng gửi thêm quân Mỹ sang Đông Âu và ngưng viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine để đổi lại một lệnh ngừng bắn tức thời và lâu dài từ phía Nga. Việc ngưng các lệnh trừng phạt theo sau một thỏa thuận hòa bình sẽ giảm áp lực kinh tế lên hàng triệu công dân Mỹ đang phải hứng chịu suy thoái kinh tế bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga.
Đề xuất thỏa thuận đình chiến của học giả Mỹ
Theo học giả Pyne, các điều khoản của thỏa thuận đình chiến giữa Nga và Ukraine có thể như sau:
1- Chấm dứt lập tức tất cả các hoạt động chiến sự giữa Liên bang Nga và Ukraine.
2- Ngừng mọi viện trợ quân sự sát thương của phương Tây cho Ukraine chừng nào Nga tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận đình chiến.
3- Nga sẽ lập tức ngừng phong tỏa Biển Đen đối với Ukraine.
4- Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia và New Zealand sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm của mình đối với lương thực và nhiên liệu xuất khẩu của Nga.
5- Tất cả các tù binh sẽ được hồi hương.
6- Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đến từ các nước trung lập sẽ được triển khai dọc theo tuyến kiểm soát nơi chiến sự nổ ra trong vài tuần gần đây. Hoặc, có thể tạo một vùng phi quân sự rộng 4km dọc theo biên giới của 4 vùng Ukraine bị Nga sáp nhập.
7- Các phái đoàn của chính phủ Nga và Ukraine sẽ triệu tập lập tức một hội nghị ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để nối lại đàm phán cho một hiệp định hòa bình, bắt đầu từ chỗ hai bên bỏ dở khi phía Ukraine rút khỏi đàm phán vào tháng 4.
Một thỏa thuận đình chiến như thế này sẽ chấm dứt giao tranh và cho phép hơn 7,5 triệu người tị nạn Ukraine quay trở về nhà và bắt đầu quá trình tái thiết và phục hồi kinh tế.
Mục tiêu của thỏa thuận là tránh tình trạng “xung đột đóng băng” bắt nguồn từ các thỏa thuận Minsk và tìm cách chấm dứt thực sự xung đột quân sự giữa đôi bên.
Chính Ukraine thu lợi lớn nhất từ thỏa thuận đình chiến này nhưng mọi quốc gia liên quan vào xung đột cũng đều hưởng lợi./.