Học giả nổi tiếng Nguyễn Duy Cần: 'Còn sống ngày nào là còn phải học ngày đó'

Thu Giang Nguyễn Duy Cần - một học giả nổi tiếng miền Nam những năm 1950. Ông tên thật là Nguyễn Duy Cần (1907 - 1997), nguyên quán ở quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ông làm nhiều nghề như viết sách, dạy học, lương y, nghiên cứu Đạo học, Kinh Dịch, với các biệt hiệu Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử...Ngày nay, số lượng bạn trẻ tìm đến các diễn đàn đọc của thanh niên hay trong những cuộc hội thảo về sách của Thu Giang Nguyễn Duy Cần rất đông.

TỰ HỌC MÀ THÀNH

Học giả Nguyễn Duy Cần là người sống cùng thời với các học giả và nhà văn như: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng... Ông tốt nghiệp Bằng thành chung (học hết lớp 9, tương đương tốt nghiệp THCS bây giờ), nhưng nhờ được cha dạy dỗ cùng với sự tự học mà ông trở thành giáo sư của những trường đại học danh tiếng thời bấy giờ như: Đại học Vạn Hạnh, Đại học Văn khoa Sài Gòn, thành viên Ủy ban Điển chế văn tự, chủ bút Báo Tự Do. Năm 1935, ông Cần cho ra đời quyển sách đầu tay: Duy tâm và duy vật.

Từ đó, ông Cần liên tục cho ra đời các tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như triết học, văn hóa, tâm linh, y học, văn học và đặc biệt là sách tu thân, đạo lý xử thế và học làm người như: Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế của người xưa, Một nghệ thuật sống, Thuật yêu đương... Một điều dễ nhận thấy là tinh hoa triết học phương Đông đậm nét trong từng tác phẩm của học giả Nguyễn Duy Cần.

Học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần còn là nhà giáo, từng là Giáo sư thực thụ kiêm Trưởng Ban Triết Đông tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Trên lĩnh vực báo chí, ông là người đảm trách nhiệm vụ chủ bút của một số tờ báo chuyên ngành Văn hóa có uy tín, như các báo: “Nay”; “Tiến”, “Tin văn”… Trong các năm 1966, 1967 và 1968, ông tham gia ba Hội nghị quốc tế về Đông phương học và Hán học được tổ chức tại Malaysia, Hoa Kỳ và Đài Loan.

Nêu cao tinh thần học tập suốt đời, trong tác phẩm Tôi tự học, ông từng viết: “Học hỏi là một việc không biết đến đâu là cùng, còn sống ngày nào là còn phải học ngày đó”. Tinh thần tự học của ông được thể hiện ở trong rất nhiều tác phẩm, đặc biệt ở các đầu sách: Óc sáng suốt, Thuật tư tưởng, Tôi tự học, Để thành nhà văn... Với học giả Nguyễn Duy Cần “học là để cho đầu óc và tâm hồn ngày càng cao hơn, rộng hơn. Có cao có rộng thì mới tránh được cái nạn thiên kiến, chấp nhất của những đầu óc hẹp hòi”.

Trong quá trình sống và làm việc, ông Cần không “hô khẩu hiệu” suông mà chính cuộc đời của ông đã là minh chứng sống động nhất cho tinh thần: “Người biết đọc sách phải biết dành cho mình một buổi nào để đọc sách trong yên lặng và cô tịch… Suốt một đoạn đời từ 21 tuổi đến nay, tôi đã dành cho mỗi buổi tối ít nhất là hai giờ đồng hồ để đọc sách, khoảng từ 20 - 22 giờ, không bao giờ sai chạy. Giờ ấy, đối với tôi cũng như giờ cầu kinh, nhất định không để cho ai quấy rầy”.

Ngày nay, sách của ông Cần không vì học theo các đạo lý của người xưa mà trở nên cũ kỹ, lạc hậu, trái lại nhiều tác phẩm còn được tái bản liên tục với số lượng in lớn, đặc biệt là cuốn Tôi tự học, được coi là sách “gối đầu giường” của nhiều lớp độc giả, đến nay đã tái bản lần thứ 20 với số lượng phát hành gần 54.000 bản. Đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, từ năm 2011, Nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt “Tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần” in lại 23 đầu sách của ông.

Cuộc đời của học giả Nguyễn Duy Cần luôn hành xử bình tĩnh, độ lượng, lấy nhu thắng cương, sống điềm đạm, giữ tinh thần trách nhiệm và luôn nêu cao tinh thần rèn luyện trí lực, học tập suốt đời. Nhà văn Đức Sao Biển từng nhận xét: Các tác phẩm của Thu Giang Nguyễn Duy Cần được viết ra không phải với mục đích “sống bằng ngòi bút” như phần lớn các nhà nghiên cứu thời đó, mà với cụ, một tác phẩm ra đời nó phải từ một đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.

NGUỒN TƯ LIỆU QUÝ VỀ HỌC GIẢ

Là một trong những học giả tiêu biểu, Thu Giang Nguyễn Duy Cần có một sự nghiệp đồ sộ với nhiều tác phẩm khác nhau, từ nghệ thuật sống cho đến triết học và các lĩnh vực khác. Năm 2022, Nhà xuất bản Trẻ đã cho phát hành cuốn sách giới thiệu lần đầu tiên những bài đăng báo trong giai đoạn 1937 - 1938 cùng những tiểu luận về giáo dục của ông.

Cuốn sách mang tên Thu Giang Nguyễn Huy Cần - Những bài đăng báo và tiểu luận. Đây là công trình do 2 nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nghiêm và Đỗ Biên Thúy dày công sưu tầm và giới thiệu, góp phần hoàn thiện thêm di sản và những di cảo về học giả Nguyễn Duy Cần đã được xuất bản trước đó.

Phần một của cuốn sách Thu Giang Nguyễn Huy Cần - Những bài đăng báo và tiểu luận gồm những bài đăng đã được phát hành trên tập san Nay - một tạp chí do Nguyễn Duy Cần làm Giám đốc và Tổng biên tập, nửa tháng ra một kỳ, ấn phẩm được chia thành 4 mục chính: Triết học, Khoa học, Y học và Văn chương, với sự góp bút của chính ông và những trí thức thời đó.

Như ông tuyên bố, mục đích của Nay không có gì lớn lao, mà chỉ là lo về cái sống qua việc bàn về triết lý để nuôi tinh thần và bàn về y để giúp khang kiện vật chất. Chủ đề chính của tập san này vẫn là những điểm vô cùng quen thuộc trong thế giới quan của học giả Nguyễn Duy Cần, khi tìm đến lăng kính dung hợp, điều hòa và bổ sung cho nhau… Tuy chỉ ra được 15 số và có đời sống ngắn ngủi, nhưng Nay đã góp phần làm phong phú thêm hoạt động báo chí của miền Nam giai đoạn trước 1945.

Năm 2019, trước sự yêu mến của độc giả, đặc biệt nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Nhà xuất bản Trẻ đã tái bản bộ sách của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần với một diện mạo mới, gồm 2 phiên bản bìa cứng và bìa cứng đóng hộp nhũ vàng bụng sách. Theo Phó Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, với mong muốn giúp độc giả ngày nay có thể chọn lựa một loại sách học làm người có giá trị, vào tháng 11-2011, Tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần được Nhà xuất bản Trẻ chính thức phục hồi. Ban đầu, 2 tựa sách được xuất bản là Tôi tự học và Óc sáng suốt; từ đó đến nay đã cho ra mắt 23 tựa, trong đó có nhiều tựa tái bản nhiều lần.

Là người nổi trội ở mảng sách triết luận, nên ít ai biết Nguyễn Duy Cần cũng là một trí thức quan tâm đến thời cuộc, đặc biệt là văn hóa - giáo dục. Phần hai của cuốn sách Thu Giang Nguyễn Huy Cần - Những bài đăng báo và tiểu luận có tên “Tiểu luận Văn hóa và Giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu?” trình bày những suy nghĩ của ông về nền giáo dục hiện thời, với thực trạng cũng như giải pháp để hướng tới nền văn hóa có giá trị hơn.

Đặt trong giai đoạn phong phú của những trào lưu văn hóa du nhập vào nước ta, ông chỉ ra những sự nguy hiểm của “đời sống mới”, khi chủ trương dẹp bỏ mọi truyền thống xưa cũ, từ đó làm mai một dần tinh hoa văn hóa nhiều lần. Tuy nhiên, ông không chủ trương đàn áp làn sóng này, mà với triết lý tìm sự dung hợp, điều hòa, điều chỉnh… Ông Cần đã nêu lên góc nhìn của mình về việc loại bỏ những điều hủ tục, hủ bại; nhưng cũng gạn đục khơi trong, giữ lại những giá trị truyền thống ngàn đời của dân tộc ta.

Có thể nói, những tác phẩm đăng báo và tiểu luận của Nguyễn Duy Cần là nguồn tư liệu vô cùng đáng quý về một học giả nổi bật của miền Nam giai đoạn trước năm 1975. Di sản mà ông để lại vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều di cảo cũng như các tác phẩm bên lề của Nguyễn Duy Cần được tập hợp, khai thác, để gửi đến độc giả không khí sôi động của làng báo thời đó, cũng như tư duy của một người tài đã từng xuất hiện ở trong lịch sử Việt Nam.

Là độc giả sách của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nhà văn Lê Văn Nghĩa nhận định: “Cụ Nguyễn Duy Cần xuất thân từ Hán học và trở thành nhà Hán học. Thời kỳ đó có rất nhiều tên tuổi đứng ngang vai, phải lứa với nhau và họ vẫn đứng được đến bây giờ, sách của họ vẫn còn giá trị như: Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển, Lê Ngọc Trụ…

Với Thu Giang Nguyễn Duy Cần, ông viết thâm sâu, chứ không phải viết cho một thời kỳ ngắn ngủi nào đó khiến độc giả đọc xong quên ngay, đọc lại thấy không còn phù hợp nữa. Sách của ông Cần, đặc biệt là với những người lớn tuổi, càng đọc càng thấm. Đó là lý do mà sách của ông Cần được yêu mến trước đây và đến tận bây giờ”.

LINH THỦY (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202211/hoc-gia-noi-tieng-nguyen-duy-can-con-song-ngay-nao-la-con-phai-hoc-ngay-do-964644/