Học giả Vương Hồng Sển viết về thú vui 'đóng cửa tháp ngà thưởng thức chuyện cung trăng'
Ra mắt từ hơn 6 thập kỷ trước, nhưng 'Thú chơi sách' vẫn là tác phẩm được yêu thích rộng rãi của học giả Vương Hồng Sển cho đến ngày nay. Mới đây NXB Trẻ đã tái phát hành lại tác phẩm này, trong diện mạo trang trọng đúng như những gì mà một tác phẩm đáng đọc nên có, như ông từng viết trong cuốn sách này.
Muôn mặt vấn đề xoay quanh chuyện sách
Là người yêu thích thú chơi cổ ngoạn và viết rất nhiều về lĩnh vực này, sách cũng là thứ được học giả Vương Hồng Sển dành riêng trong nhiều bài viết. Trong Thú chơi sách, ông đã bàn luận về muôn vàn khía cạnh của thú phong lưu nói trên, từ các danh từ, khái niệm, chuyện xưa, chuyện nay cũng như trải nghiệm của bản thân mình... Đây có thể nói là một tác phẩm mà bất cứ ai yêu thích sưu tầm sách vở cũng muốn có được trong tủ sách của gia đình mình.
Như ông chia sẻ, chơi sách là một quá trình “tự mình làm thầy, tự mình học hỏi lấy mình”, nên tác phẩm này được viết từ những trải nghiệm của bản thân ông. Vẫn mang phong cách phóng khoáng của người Nam bộ, phần lớn tác phẩm được viết như những chia sẻ đời thường, vừa nhẹ nhàng mà cũng có khi mang tính tự trào đã thành đặc trưng. Lối so sánh, ví von của Vương Hồng Sển cũng rất đặc biệt, biến tác phẩm này trở nên riêng biệt, như thể độc giả đang được đối thoại với một cổ nhân giờ đã xa khuất.
Thế nhưng những gì mà ông trình bày cũng được tìm hiểu một cách kỹ càng từ rất nhiều nguồn. Chẳng hạn xuyên suốt cuốn sách, ông đã đưa ra rất nhiều từ ngữ thiên về chuyên môn của các loại da cũng như kỹ thuật đóng sách. Ông cũng nói về rất nhiều khái niệm về thú chơi sách. Chúng gồm “bibliomaniaque” – những người “điên” sách, thấy gì cũng mua, dù là sổ cái, nhật ký… của cả những người bình thường. Tiếp theo là “bibliomane” – những người đỡ hơn một chút khi chỉ mua sách, nhưng không phân biệt văn chương ba xu hay là cao cấp. Cuối cùng là “bibliophile, hay “bibliomane” khi giảm bớt đi tính gàn và biết chọn lựa một cách khắt ke.
Ông ví “Bibliophile” như nàng tiên “Hiếu sách”, bạn của sách, biết thương yêu và ưa chơi sách, mà “xã hội không nàng sẽ như người thiếu thanh khí, địa cầu chưa có nàng thì ta phải đến tận Thủy liêm động, Thiên thai sơn mà cầu thỉnh đem về, xin cho nàng đem theo đủ thất thập nhị huyền công”. Ông cũng ví von người có sách quý như có người con gái đẹp đứng tuổi kén chồng, mà muốn đến để xem mắt thì phải tỏ ra bản thân không phải là phường vùi hoa dập liễu
Ngoài ra ông cũng bàn luận xa hơn xoay quanh chuyện sách, chẳng hạn phê phán nghề cho mượn sách và ví nó như một thứ “nhà thổ”. Ông viết sách theo kiểu này như cô con gái mà khi thân xác bị giày vò hoặc làm ô uế, thì người sở hữu cũng chỉ làm ngơ và quan tâm đến tiền vô đầy túi. Rồi khi sách dần nhàu nát, không thể đọc nữa, thì mướn đóng bìa sao cho đẹp đẽ để dễ bề lừa bịp khách hàng… Quá trình nói trên thì chẳng khác nào một mụ tú bà nuôi gái, lúc còn ăn khách không nói làm chi, phải đến lúc già và bệnh, thì bèn tô lục chuốt hồng, đợi dịp gả bán mà không chút nào thương hoa xót liễu.
Ngoài những điều này ông cũng viết về những người mua sách rồi chôn trong tủ, không cho ai động đến. Cũng có những người mua về một cách la liệt, đóng bìa cẩn thận nhưng rồi không dám động vào vì sợ… mất tân. Đây là cách chơi mang tính trưởng giả, được ông viết ra đầy tính trào phúng, từ đó làm rõ thái độ cần có với sách. Hình thức tuy rất quan trọng thế nhưng nội dung cuốn sách còn quan trọng hơn vẻ ngoài của nó.
Ông cũng nói thêm về cách giữ gìn sao cho mối mọt không thể làm hại, cũng như cách thức sắp xếp, để trong tủ sách “đừng cho loại truyện nhảm đứng kề những cảo thơm, và tránh đừng để những ngụy thuyết tà thư đứng đồng hàng với loại văn chương cổ nhã”. Từ những kinh nghiệm của bản thân mình, ông cũng dẫn ra một cách đầy đủ những phiên bản của Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, coi đâu là bản hiếm nhất, có bao nhiêu bản và bản thân mình đã sở hữu được những phiên bản nào…
Vượt ngoài sách vở, ông cũng nói thêm về việc xuất bản cũng như thời thế. Trong đó ông mạnh mẽ phê phán thái độ thiếu cẩn trọng của nhà làm sách, khi cũng lỗi đó mà sau bao năm tái bản liên miên vẫn không chỉnh sửa những lỗi sai sót. Ông cũng nói về việc chọn bìa sách, làm sao để cho nội dung phù hợp với hình minh họa. Nhớ về quá khứ, ông cũng nói về giai đoạn quân Nhật chiếm đóng, khiến cho kho sách của bản thân ông đã bị tản mát, bị bọn người lạ lấy cuộn thuốc hút.
Sau đó những biến cố lịch sử khác nhau cũng tạo ra những chuyện đau lòng, mà ông cũng chỉ nén lại một tiếng thở dài.
Trần tình của một người yêu sách
Mở đầu tác phẩm, cụ Vương cho rằng: “Thú chơi sách là một thú nhàn; đóng cửa tháp ngà thưởng thức chuyện cung trăng, hoặc giở trang sách tìm người trong xuân mộng. Nói như vậy cũng còn chưa đủ: nhà chơi sách chẳng những đọc mà thôi, còn mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa êm ái vuốt ve trang giấy mịn màng, gửi hết tâm tư vào đó, một lòng gắn bó thiết tha tưởng còn hơn các phong lưu công tử đời xưa tiếp kiến nhân tình bằng xương bằng thịt!”.
Với niềm đam đọc và sưu tầm như thế, ông cũng đã kể lại rất nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm gắn bó với đời đọc sách. Ông tiết lộ mình thích sách khảo cứu lịch sử - xã hội Việt Nam, và nếu là người bán sách, ông sẽ tập trung vào các loại sách quý, sách hiếm, những sách không còn xuất bản nhưng mà danh thơm thì vẫn còn đó, những tác phẩm có chữ ký của tác giả, loại in trên giấy tốt, có di bút của danh nhân, loại của người chơi khó tính… Thế nhưng ông cũng hài hước cho rằng không biết mình có đành lòng bán chúng hay có lỗ vốn trước khi mở được hay không.
Phiên bản mới của Thú chơi sách với hình thức bắt mắt. Ảnh: Minh Anh
Được viết bằng những trải nghiệm nên cuốn sách này không được trình bày theo một bố cục khoa học rõ ràng. Xen lẫn giữa những chuyện sách vở, ta cũng đồng thời thấy hiện lên con người cá nhân của nhà văn hóa. Sách vở gắn bó với ông từ bé, qua những câu chuyện của người mẹ hiền, mà ông đã dành một đoạn để tưởng nhớ bà. Ông viết: “Mỗi khi lấy truyện cũ ra xem lại, lật đến những trang vấy dầu lem luốc con không quên những đêm mẹ con đọc truyện dưới ánh đèn tọa đăng. Truyện còn đây, đèn vẫn còn đây, con cũng còn đây. Duy mẹ đã không còn và chừng nào mới đến phiên con về chốn ấy để mộ con gần bên mả mẹ”.
Ông cũng hoài nhớ hướng về tuổi thơ, với câu chuyện về người đàn bà bán cháo do quá cảm động khi nghe được đoạn Vân Tiên sum họp cùng với Nguyệt Nga, đã chạy về nhà, gánh sang một nồi cháo lớn và ép mọi người ăn vì quá cảm động, muốn hòa mình vào giây phút đoàn tụ thiêng liêng của cặp giai nhân kỳ nữ mà dù cho ai nói cách nào thì cũng quả quyết đó là chuyện thật. Ngoài chuyện này ra, ông cũng kể về trải nghiệm đi đòi hai quyển Nam Phong tạp chí mà mình cho người bạn mượn, và khi đòi được may mắn làm sao lính đoan cũng vừa ập tới bắt “nàng phù dung”, nếu không ông cũng không còn công việc và nhiệm sở làm…
Về cuối đời, ông cũng để lại một căn nhà cổ là Vân Đường phủ, nơi chứa rất nhiều tư liệu quý hiếm mà ông thừa nhận “tiền đi chợ ngày mai chưa có, tiền bạn bè gửi ít nhiều trong túi lại muốn trút ra, không thì vọp bẻ, chuột rút, muốn rời cửa hàng rời cũng không được”. Nơi đó chính là một chốn bồng lai tiên đảo để ông cùng với bạn bè sống đời lạc thú, an nhàn, vô tư lự, cạnh những thức ăn tinh thần vừa dạy luyện bắp thịt, vừa rèn luyện trí óc.
Bằng những kinh nghiệm đã đúc kết được sau một quá trình không ngừng tìm tòi và bổ sung, Thú chơi sách là một tác phẩm đầy ắp thông tin, bao quát ở rất nhiều mặt, được viết bằng một giọng văn giản dị, trào phúng, không chỉ đả phá những thói hợm hĩnh mà còn truyền đi bài học quý trọng sách vở cũng như nhân nghĩa trong cuộc đời này, của một trong những học giả, nhà văn hóa lớn của miền Nam nói riêng và cả đất nước nói chung.