Học sinh chủ động lộ trình học để thi theo Chương trình mới
Từ năm 2025, học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ thi theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong khi phương án và cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025 đã ban hành thì phương án kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của hầu hết địa phương vẫn là ẩn số.
Nhiều đổi mới trong các kỳ thi
Năm 2024 là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi dành cho thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2006. Kể từ năm 2025 trở đi, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bám sát nội dung, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo phương án đã được công bố, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, mỗi thí sinh sẽ thi 4 môn gồm: toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại (ngoại ngữ, lịch sử, vật lí, hóa học, sinh học, địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút; đề thi gồm 2 phần Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.
Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần: phần 1 (gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng); phần 2 (gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn Đúng hoặc Sai); phần 3 (gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình).
Cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT đã công bố đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi và cho biết, cấu trúc định dạng sẽ là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Các môn học có đề minh họa gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung), hóa học, vật lý, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ (công nghệ công nghiệp và công nghệ nông nghiệp).
Trong khi định hướng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 theo Chương trình mới khá rõ ràng thì học sinh sinh năm 2010 - lứa đầu tiên tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình mới không tránh khỏi tâm lý lo lắng vì chưa biết sẽ thi mấy môn, định dạng đề thi như thế nào. Thông tin duy nhất học sinh, giáo viên, phụ huynh nắm được đến thời điểm này, đó là đề thi môn ngữ văn sẽ không sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài, sao chép nội dung tài liệu có sẵn hoặc tránh tình trạng ôn lệch, học tủ, đoán đề.
Cần sự chủ động từ phía người học
Năm học 2024 - 2025, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai năm thứ 3 với khóa học sinh sinh năm 2007 và triển khai năm thứ 4 với khóa học sinh sinh năm 2010. Dù cấu trúc và định dạng đề thi lớp 10 năm tới chưa được công bố nhưng các thầy cô liên tục được cập nhật tình hình; đồng thời lưu ý, nhắc nhở để học sinh chuẩn bị bước vào lớp 9 nắm được.
“Ngay từ khi học lớp 8 em đã được nghe nói rất nhiều về việc từ lứa chúng em sẽ thi theo Chương trình mới. Chúng em được học sách giáo khoa mới từ lớp 6 và suốt 3 năm qua, được thầy cô dạy bằng phương pháp mới. Trong quá trình dạy, thầy cô cũng nhấn mạnh chúng em phải học đều các môn; ngoài 3 môn toán, ngữ văn,tiếng Anh thì phải chú trọng các môn khoa học tự nhiên và lịch sử - địa lý vì biết đâu sẽ có bài thi tổ hợp”, Em Nguyễn Hoài Anh, sinh năm 2010, trú tại quận Bắc Từ Liêm chia sẻ.
Với chị Hoàng Xuân Anh, phụ huynh học sinh trú tại quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Con tôi rất lơ mơ về khái niệm Chương trình mới. Tôi mong, Bộ và Sở ban hành cấu trúc định dạng đề thi; hướng dẫn học và ôn thi từ đầu năm học để giáo viên, học sinh sớm nắm được”.
Ngay khi vừa được ban giám hiệu nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 9 năm học 2024 – 2025, cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên ngữ văn tại Cầu Giấy đã gửi chia sẻ tới toàn thể phụ huynh. Theo cô Hà, khóa 2010 đang rất mông lung vì chưa biết sẽ thi lớp 10 theo hướng nào; vì vậy, trong năm học này, cô nhờ các bậc phụ huynh dành thời gian quan tâm, nhắc nhở, kèm cặp con kỹ hơn; điều này vừa giúp con tập trung vào việc học, vừa hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy kiến thức.
Trước mắt, các nhà trường vẫn bám theo định hướng của Chương trình mới để xây dựng ma trận các đề kiểm tra, đánh giá học sinh xuyên suốt kiến thức cấp THCS, tập trung vào chương trình lớp 8 và 9.
Thầy cô cũng mong rằng, học sinh, phụ huynh tránh việc nghe ngóng các nguồn tin không chính thống dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang thái quá. Điều cần thiết là chủ động tâm lý, học chắc kiến thức sách giáo khoa, tự xây dựng lộ trình học và ôn tập khoa học, quan tâm rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị cho năm học phía trước vào vững vàng tham gia các kỳ thi.
Tại công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 đối với cấp trung học, Bộ GD&ĐT đề nghị các đơn vị tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10; học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoc-sinh-chu-dong-lo-trinh-hoc-de-thi-theo-chuong-trinh-moi.html