Học sinh chưa trúng tuyển lớp 10 trường công lập: Cơ hội vẫn còn rộng mở
Kết thúc thời gian xác nhận nhập học lớp 10 vào 24h hôm qua (12-7), hệ thống tuyển sinh trực tuyến của Hà Nội đã khép lại đợt tuyển sinh đầu tiên.

Học sinh lưu ý các mốc thời gian quan trọng sau kỳ xét tuyển đợt 1 vào lớp 10. Ảnh: Lê Nguyễn
Trong khi nhiều học sinh đã tìm được chỗ học phù hợp, vẫn còn không ít em đang chờ đợi thông tin tuyển sinh bổ sung hoặc cân nhắc các lựa chọn học tập khác ngoài trường công lập.
Cơ hội xét tuyển bổ sung và các mốc thời gian quan trọng
Hôm nay (13-7), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khóa hệ thống xác nhận nhập học tại Cổng thông tin tuyển sinh đầu cấp (https://tsdaucap.hanoi.gov.vn); đồng thời rà soát, thống kê số lượng học sinh đã xác nhận nhập học tại từng trường trung học phổ thông công lập cũng như các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên...
Căn cứ vào số lượng thực tế và chỉ tiêu còn thiếu, Sở sẽ tổ chức họp xét duyệt điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập vào ngày 17-7. Điểm chuẩn xét tuyển bổ sung sẽ được công bố cùng ngày.
Việc xác nhận nhập học đợt 2 (nếu có) sẽ diễn ra từ ngày 19-7 đến hết ngày 22-7-2025 theo hình thức trực tiếp.
Đối với học sinh đã nộp đơn phúc khảo bài thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ công bố kết quả chậm nhất vào ngày 28-7.
Các trường sẽ tiếp nhận học sinh trúng tuyển sau phúc khảo từ ngày 28-7 đến ngày 30-7, thời gian xác nhận nhập học trực tiếp là ngày 30-7-2025.
Học sinh lưu ý, việc xác nhận nhập học vào lớp 10 ở đợt xét tuyển bổ sung chỉ thực hiện theo hình thức trực tiếp.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2025-2026 đã diễn ra ngày 7 và 8-6 với gần 103.000 học sinh đăng ký dự tuyển. Với tỷ lệ chỉ tiêu trúng tuyển vào trường công lập là 64%, khoảng hơn 20.000 học sinh sẽ cần những lựa chọn khác.
Trong bối cảnh 64% số học sinh trúng tuyển vào các trường công lập, nhiều phụ huynh và học sinh đang có tâm lý lo lắng. Tuy nhiên, theo khẳng định từ lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố có đủ các loại hình trường học, đáp ứng 100% học sinh có nguyện vọng học tiếp sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Đa dạng lựa chọn cho học sinh chưa trúng tuyển
Sau kỳ thi tuyển sinh, những học sinh chưa đủ điểm vào trường công lập hoặc mong muốn tìm hướng đi phù hợp với năng lực cá nhân có thể lựa chọn ba hình thức học tập phổ biến: Học tại trường tư thục, học chương trình giáo dục thường xuyên hoặc tham gia chương trình 9+ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Học sinh THCS Hà Nội tham gia tư vấn chương trình học tập tại Ngày hội gắn kết giáo dục Thủ đô với thị trường lao động năm 2025. Ảnh: Lê Nguyễn
Các trường trung học phổ thông tư thục tại Hà Nội hiện có chỉ tiêu tuyển sinh lớn (hơn 30.000 chỉ tiêu), cơ sở vật chất hiện đại, chương trình học được thiết kế đa dạng, trong đó có nhiều lớp chất lượng cao và lớp tích hợp ngoại ngữ.
Phương thức tuyển sinh của khối trường này rất linh hoạt, phần lớn xét tuyển dựa trên học bạ bậc trung học cơ sở, có một số trường xét tuyển từ điểm thi vào lớp 10 công lập.
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Hà Thành cho biết, năm học 2025-2026, nhà trường tuyển sinh 14 lớp 10 với 450 chỉ tiêu, trong đó có 7 lớp chất lượng cao. Nhà trường cũng triển khai chính sách học bổng lên đến 20 triệu đồng cho học sinh có thành tích tốt trong học tập hoặc đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi. Đây là động lực khuyến khích học sinh lựa chọn con đường phù hợp với năng lực và sở trường cá nhân.
Học sinh mong muốn hoàn thành chương trình phổ thông cũng có thể đăng ký xét tuyển vào lớp 10 của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Sơn Tây Nguyễn Văn Toàn cho biết: Bằng tốt nghiệp chương trình giáo dục thường xuyên có giá trị tương đương với bằng trung học phổ thông của hệ thống giáo dục phổ thông, không có gì khác biệt. Học sinh vẫn có thể đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện.
Ưu điểm lớn của hệ giáo dục thường xuyên là thời gian học linh hoạt, học phí thấp, phù hợp với học sinh cần làm thêm, có năng khiếu đặc biệt hoặc cần môi trường học tập nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, nhiều trung tâm còn liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giúp học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề, nâng cao năng lực thực hành.
Một trong những hướng đi ngày càng được quan tâm là chương trình 9+, cho phép học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học song song chương trình văn hóa trung học phổ thông và chương trình đào tạo nghề trình độ trung cấp tại các trường trung cấp, cao đẳng.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, chương trình 9+ giúp học sinh tiết kiệm thời gian, chi phí học tập và được đào tạo nghề từ sớm, tăng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Sau ba năm, học sinh tốt nghiệp chương trình 9+ sẽ có cả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng trung cấp nghề. Nếu có nguyện vọng, các em hoàn toàn có thể học tiếp lên cao đẳng hoặc đại học thông qua hình thức liên thông.
Thành phố Hà Nội hiện có hơn 50 trường trung cấp, cao đẳng và 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên triển khai chương trình 9+. Các ngành nghề đào tạo rất phong phú, từ công nghệ ô tô, điện – điện tử, cơ khí đến thiết kế đồ họa, chăm sóc sắc đẹp, nhà hàng – khách sạn...
Năm học 2024-2025, Hà Nội có gần 24.000 học sinh theo học chương trình 9+, chiếm 18% tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh có việc làm ngay sau tốt nghiệp đạt trên 70%, phản ánh hiệu quả và tính thực tiễn cao của mô hình này.
Từ thực tế cho thấy, áp lực vào lớp 10 trường công lập vẫn lớn, nhưng các cơ hội học tập khác tại Hà Nội ngày càng mở rộng, chất lượng được nâng cao. Điều quan trọng là học sinh cần nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác; đánh giá đúng năng lực và điều kiện của bản thân để lựa chọn hướng đi phù hợp.