Học sinh Hải Phòng 'khoe' rau hữu cơ, cánh tay robot trong ngày hội STEM
Dự án trồng rau hữu cơ, hệ thống chiếu sáng thông minh, cánh tay Robot..là những sản phẩm Stem sáng tạo của học sinh THCS huyện An Lão, TP Hải Phòng.
Góc sáng tạo
Dự án chiếu sáng thông minh của học sinh Phạm Thu Hiền và nhóm học sinh 9D, Trường THCS Trường Thọ được thiết kế trong khoảng 2 tuần. Hiền chia sẻ, vật liệu để em và các bạn làm sản phẩm là tận dụng lại đồ dùng trong gia đình như: đèn học, đèn ngủ, đồ chơi, bìa cát tông, ống hút, que tăm... Hình ảnh ngôi nhà, đường phố được thiết kế hiện đại với cảm biến ánh sáng giúp tiết kiệm điện năng khi sử dụng.
Thầy Lê Tuấn Anh, giáo viên hướng dẫn sản phẩm Stem của em Hiền cho biết: Từ các kiến thức lý thuyết của bài học, trò trình bày dự định làm dự án về hệ thống chiếu sáng thông minh với những thiết kế tiện ích, thầy ủng hộ và cùng hướng dẫn các em thực hiện. Với học sinh lớp 9 khi được tham gia các dự án Stem một phần giúp các em định hướng nghề một cách thực tế.
Thầy Bùi Văn Sang, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thọ cho hay, trong Ngày hội Stem cấp huyện, nhà trường có 10 sản phẩm tham dự, tiêu biểu là các sản phẩm: hệ thống chiếu sáng thông minh; tái chế từ nhựa cao su vỏ sò; vận dụng sự biến đổi chất tạo ra nến thơm…qua bài học học trò được vận dụng vào thực tế để xây dựng sản phẩm nên các em rất say sưa tìm tòi, khám phá và thỏa sức sáng tạo.
Tại gian trưng bày sản phẩm Stem của Trường THCS Trường Thọ có một điểm nhấn ấn tượng với các nhân vật "chị Cốc, Dế Mèn, Chuồn Chuồn...do học sinh lớp 6A thực hiện qua bài học trong SGK Ngữ văn lớp 6.
Thầy Phạm Văn Hương, Giáo viên Ngữ Văn chia sẻ: Sản phẩm của học sinh khắc họa lại hoạt cảnh trong Bài học đường đời đầu tiên ( truyện Dế mèn phiêu lưu kí) với các nhân vật dễ thương. Sử dụng mo cau, quả dừa khô, lon bia học sinh đã tạo ra chị Cốc, Dế mèn và các nhân vật trong đoạn trích một cách ngộ nghĩnh.
40 học sinh, mỗi em một ý tưởng, vì thế nhân vật chuồn chuồn "đa sắc" với các vỏ lon bia được cắt dán khác nhau. Được tự tay thiết kế các nhân vật, trò nhớ bài kĩ hơn, cảm nhận được vẻ đẹp văn học và ngấm ý nghĩa, bài học mà câu chuyện mang lại.
Ý tưởng từ nhu cầu thực tế
Qua các kiến thức liên môn Khoa học tự nhiên, em Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 8C, Trường Tiểu học và THCS Trường Thành có ý tưởng làm mô hình Giàn rau thủy canh hồi lưu động.
Trang chia sẻ, xã hội ngày càng phát triển, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp trong khi nhà ở của người dân được thiết kế hiện đại, nhiều gia đình diện tích nhỏ thiếu không gian trồng trọt. Bên cạnh đó, khi cuộc sống thương mại hóa để cung cấp nguồn rau cho thị trường trong quá trình sản xuất sẽ không tránh khỏi việc lạm dụng hóa chất, phân bón ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế về rau hữu cơ cho mỗi cá nhân, gia đình trong từng bữa ăn và qua kiến thức bài học Trang đã trình bày ý tưởng với thầy giáo và được thầy hướng dẫn các bước làm một giàn rau hữu cơ bằng các ống nhựa.
Thầy Vũ Duy Chính, giáo viên Vật lý và KHTN, Trường Tiểu học và THCS Trường Thành nhận xét, sản phẩm Giàn rau thủy canh hồi lưu động được thiết kế gọn gàng, tiết kiệm không gian, đồng thời có cảm biến ánh sáng và tưới cây tự động. Sản phẩm tuy còn thô sơ nhưng ý tưởng của các em rất tốt. Trò đã vận dụng kiến thức các môn như: Sinh học, Vật lý, Toán và các vật liệu tái chế để làm nên Giàn rau mô hình mang đến Ngày hội Stem cấp huyện.
Quá trình làm dự án, học sinh rất hứng thú khi được áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực hành. Các em được quan sát quá trình quang hợp cây xanh, thực hành sử dụng điện an toàn. Xa hơn, mô hình này định hướng, nuôi dưỡng ước mơ cho học sinh trong tương lai nếu ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Em Nguyễn Thị Thanh Minh, học sinh lớp 9C, Trường THCS Trường Sơn thực hiện dự án trồng nấm bào ngư. Từ nguyên liệu phế phẩm sinh học, rơm rạ, mùn cưa, vỏ trấu, vận dụng bài học môn Sinh học, Địa Lý...Minh nghiên cứu mô hình trồng nấm. Em đã nhờ thầy cô mua giúp phôi giống và hướng dẫn các bước kĩ thuật chăm sóc nấm. Nhìn nấm đang phát triển Minh rất vui và hào hứng khoe với thầy cô cùng các bạn.
Cô Vũ Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trường Sơn thông tin, trường có 11 sản phẩm Stem dự thi cấp huyện. Tuy "cây nhà lá vườn", nhưng đây là những sản phẩm được làm nên từ ý tưởng của các em. Mô hình trồng nấm của em Minh rất tốt. Minh vốn là học sinh giỏi môn Sinh học và ước mơ của em sẽ học ngành Dược sĩ hoặc Nông nghiệp vì thế đây là trải nghiệm rất đáng quý với trò.
Trong Ngày hội Stem cấp huyện diễn ra ngày 3/3, 17 trường THCS trên địa bàn huyện An Lão tham dự với 344 sản phẩm và 10 Robot.
Học sinh được thi các sản phẩm và các dự án KHKT tiêu biểu thực hiện trong năm học. Đồng thời, 17 trường thi gian trưng bày các sản phẩm giáo dục Stem tiêu biểu. Đặc biệt, hội thi sáng tạo Robot là nơi diễn ra phần thi thể hiện tài năng của các học sinh trong việc lắp rắp, cài đặt và điều khiển các con Robot thông minh mà các em đã thực hiện tại nhà trường trong năm học.
Ông Vũ Trọng Dũng- Trưởng phòng GD&ĐT An Lão cho hay: Tuy sản phẩm của các em học sinh còn còn thô sơ nhưng chứa đựng đầy tư duy, sáng tạo, ấp ủ ước mơ, hoài bão. Ngày hội Stem là cơ hội để học sinh đem những ước mơ hoài bão của mình "khoe" với thầy cô, bạn bè. Thầy cô ghi nhận những sáng tạo của các em trong học tập.
"Stem trong các nhà trường có ý nghĩa to lớn, góp phần đổi mới, phát triển giáo dục, đánh thức đam mê, khơi nguồn sáng tạo cho học sinh", ông Dũng nhấn mạnh.