Học sinh hư càng cần được tới trường để giáo dục, thay vì tạm tước quyền đi học?

Nhiều ý kiến đồng tình nên bỏ hình thức đình chỉ vì điều này sẽ làm gián đoạn việc học, khiến học sinh chán nản, sa vào hoạt động không lành mạnh. Tuy nhiên, số khác cho rằng cần có biện pháp cứng rắn, cho học sinh thời gian nhìn nhận lỗi sai.

Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh trong nhà trường của Bộ GD-ĐT gần đây bỏ hình thức tạm dừng học có thời hạn đối với học sinh. Thay vào đó, tùy mức độ, các em ở bậc tiểu học sẽ bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.

Theo Bộ GD-ĐT, mục đích của việc kỷ luật là nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm của học sinh, đồng thời giúp đỡ học sinh tự nhận thức được sai phạm để tự giác điều chỉnh hành vi, khắc phục hậu quả, từ đó hình thành thói quen, lối sống kỷ luật. Tuy nhiên, các nhà trường không được sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của học sinh.

Sau khi dự thảo được đăng tải, có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này.

Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh. Ảnh minh họa

Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh. Ảnh minh họa

Đình chỉ sẽ khiến việc học tập của học sinh bị gián đoạn

Chị Phạm Thị Liên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, việc kỷ luật bằng hình thức đình chỉ sẽ khiến việc học tập của học sinh bị gián đoạn, gây ra nhiều hệ lụy như tạo tâm lý chán nản, tiêu cực. Từ đó, học sinh có thể bị lôi kéo, sa vào những hoạt động không lành mạnh.

“Tôi còn nhớ một bạn học trước đây, bỗng dưng sau một kỳ nghỉ hè không thấy đi học lại. Khi hỏi han cả lớp mới biết, trong thời gian nghỉ, người bạn này bị một nhóm bạn khác rủ rê đi... cướp taxi. Dù sau vụ việc, bạn không bị đi tù, nhưng cũng phải chuyển sang học tập tại ngôi trường khác”, chị Liên nói.

Chia sẻ câu chuyện này, chị nói thêm, học sinh càng hư càng cần được tới trường để thầy cô dẫn dắt, giáo dục thay vì bị tước quyền học tập, vì việc đó có thể đẩy tương lai đứa trẻ về hướng tiêu cực. Như vậy, yêu cầu, mục đích của việc kỷ luật và mục tiêu giáo dục không được thực hiện.

Đồng quan điểm, chị Trần Mai Loan, phụ huynh học sinh lớp 7 ở Hà Nội, cho rằng giáo dục phải nhân văn. Khi trẻ con gặp vấn đề, người lớn phải tìm ra giải pháp. Việc đình chỉ học trong nhiều trường hợp cho thấy nhà trường, thầy cô đã “bó tay, bỏ cuộc” chứ không phải cách răn đe để học sinh sợ và hối lỗi.

“Kỷ luật phải dựa trên sự bao dung, tích cực. Trẻ dưới 18 tuổi cần sự dạy dỗ của gia đình, nhà trường và xã hội. Trẻ có sai sót, bồng bột càng cần được chú ý hơn, tạo điều kiện tốt hơn để sửa chữa, thay đổi, tiến bộ thay vì tách chúng ra một khoảng thời gian”, phụ huynh này nói.

Đình chỉ là cần thiết giúp học sinh có thời gian suy nghĩ về hành vi của mình?

Tuy nhiên, theo quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc có một hình thức kỷ luật như đình chỉ học là cần thiết, nhưng thời gian có thể rút ngắn hơn, còn khoảng 3-5 ngày. “Đây là khoảng thời gian để học sinh có thể tự kiểm điểm, nhận thức nghiêm túc và rút kinh nghiệm về những thiếu sót của mình”, ông nói.

Ngoài ra, đình chỉ học không có nghĩa “để học sinh tự do ở nhà hay đi lang thang, muốn làm gì thì làm”. Khi học sinh bị đình chỉ học tập trên lớp, nhà trường sẽ phải ban hành kế hoạch giáo dục riêng, có sự tham gia, đồng thuận của phụ huynh và học sinh, tránh quan điểm của gia đình và nhà trường không thống nhất, dẫn đến khó giáo dục trẻ.

“Các em không được lên lớp nhưng vẫn phải đến trường để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng này. Giáo viên chủ nhiệm, phòng tham vấn học đường của các nhà trường lúc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục học sinh”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Từng có hơn 30 năm “cảm hóa” hàng nghìn học trò ngỗ ngược, TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay, với những học trò bướng bỉnh, thầy cô cần cho các em thời gian để phân tích, nhận thức ra lỗi lầm. Tùy vào nhận thức của mỗi học sinh, quãng thời gian này có thể dài hay ngắn. Khi học sinh nhận thức được sai sót của mình và có quyết tâm sửa chữa, khi ấy mới được tiếp tục cho học.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý học và giáo dục học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), hình thức tạm dừng học tập trên lớp là cần thiết, giúp học sinh có thời gian đủ tĩnh để suy nghĩ về hành vi của mình cũng như những hệ lụy sau đó, từ đó chủ động đề xuất biện pháp khắc phục và có sự cam kết.

"Với những trường hợp học sinh có hành vi vi phạm, gây ra hậu quả tiêu cực đối với bản thân hoặc người khác, giáo viên chủ nhiệm lớp và nhà trường sẽ phải lập kế hoạch giáo dục với cá nhân học sinh ấy. Trong đó, học sinh vừa phải thực hiện nhiệm vụ học tập, vừa tham gia hoạt động bổ sung riêng, dưới sự hỗ trợ, giám sát của giáo viên và gia đình học sinh (như lao động hoặc tham gia khắc phục hậu quả đã gây ra). Ở mức độ nghiêm trọng hơn, học sinh có những hành vi liên quan đến pháp luật, lúc này, việc giải quyết có thể phải theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Do đó, thời gian tạm dừng học tập trên lớp cần căn cứ vào kế hoạch giáo dục cụ thể và không được quá hạn mức thời gian trong quy chế", bà Thuận nói.

Song bà Thuận cũng cho rằng, việc xử lý kỷ luật học sinh theo khung biện pháp cứng nhắc có thể ngăn chặn ngay những hành vi trước mắt, nhưng sẽ không bền vững. "Nhà giáo dục phải xác định được những yếu tố nào dẫn đến hành vi của học sinh để giải quyết cho phù hợp và 'trúng vấn đề', giúp các em tự nhận ra, biết chấp nhận thực tế và chủ động thay đổi hành vi về lâu dài thay vì chỉ dựa vào hành vi và áp đặt chế tài", bà nêu.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoc-sinh-hu-cang-can-duoc-toi-truong-de-giao-duc-thay-vi-tam-tuoc-quyen-di-hoc-2399094.html