Trung tâm dạy thêm mọc như 'nấm sau mưa': Cảnh báo khoảng trống quản lý

Sau khi Thông tư 29 đi vào thực thi, các trung tâm giáo dục mọc lên như 'nấm sau mưa', cảnh báo công tác quản lý và chất lượng dạy, học.

Trung tâm mọc như “nấm sau mưa”

Sau 1 tháng tạm dừng dạy thêm khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, cô N.T.H - giáo viên dạy Toán trường THCS Trần Phú (Phú Xuyên, Hà Nội) tìm trung tâm để có thêm nguồn thu, trang trải chi phí.

Cô N. T. H cho hay, ở trung tâm dạy thêm, cô và một cô khác cùng dạy môn toán đổi học sinh cho nhau để không vi phạm quy định tại Thông tư 29.

Phú Xuyên là huyện ngoại thành nhưng sau khi quy định mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, không ít trung tâm giáo dục mới được thành lập, chưa kể trong nội thành của những thành phố lớn, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nhất là trong thời điểm chỉ còn gần 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây cũng là thời gian cao điểm ôn luyện của các em học sinh và việc tìm đến các hình thức hỗ trợ học ngoài giờ là điều tất yếu.

Nhu cầu học thêm ở thời điểm sát kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT tăng cao. Ảnh minh họa

Nhu cầu học thêm ở thời điểm sát kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT tăng cao. Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, dù các trường không được tổ chức dạy thêm thì nhu cầu học thêm chưa hoặc giảm rất thấp, bởi sự lo lắng của cha mẹ về sự lơ là, không chủ động trong việc học của con, thậm chí là không có ai quản lý khi không có người lớn ở nhà.

Với nhu cầu học thêm cao như vậy, việc ra đời các trung tâm giáo dục để đáp ứng là hiển nhiên. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo ra sao, cách quản lý, vận hành trung tâm và cả điều kiện dạy và học có đúng theo quy định hay không là điều đáng bàn.

Sự việc cuối tháng 4 vừa qua, tại quận Hà Đông, một số giáo viên dạy học cho trung tâm vi phạm quy định và chịu những hình thức xử lý khác nhau, trung tâm phải tạm dừng hoạt động do chưa đáp ứng đủ điều kiện là một bài học.

Về mặt nhân sự, không phải trung tâm nào cũng có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn hoặc có kinh nghiệm sư phạm. Việc thuê sinh viên năm cuối làm giảng viên là điều không hiếm gặp. Việc thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ khiến chất lượng giảng dạy tại nhiều trung tâm là câu hỏi lớn.

Bản thân cô N.T. H cũng chia sẻ không muốn dạy học sinh của lớp khác, bởi mỗi thầy cô có phương pháp dạy khác nhau, với học sinh của mình các thầy cô còn nắm rõ điểm mạnh yếu để bổ sung kiến thức. Dạy học sinh lớp khác bản thân các thầy cô và học sinh phải điều chỉnh cách dạy, cách học.

Không cấm dạy thêm nhưng phải đúng quy định

Sự nở rộ của các trung tâm dạy thêm xét ở một góc độ nào đó là tất yếu, nhất là khi nhu cầu học thêm của học sinh, phụ huynh rất cao. Việc học thêm để nâng cao kiến thức, nâng cao điểm số là nhu cầu chính đáng. Nhiều trung tâm uy tín đang cung cấp chương trình học chất lượng, có kiểm định, có giảng viên chuyên môn, góp phần hỗ trợ đáng kể cho học sinh yếu, học sinh cần ôn luyện nâng cao, học sinh muốn phát triển tư duy.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhiều lần nhấn mạnh, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực và đang diễn ra. Với Thông tư 29, Bộ không cấm dạy thêm, học thêm, nhưng yêu cầu đó phải là hoạt động tích cực, đúng quy định.

Việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới thực hiện chương trình môn học của giáo viên; học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh.

Hiện nay, việc quản lý các trung tâm dạy thêm chủ yếu thuộc về UBND cấp huyện/thị xã, phối hợp với phòng giáo dục. Nhưng trong bối cảnh số lượng trung tâm ngày càng tăng, lực lượng quản lý mỏng thì việc “lọt lưới” là điều khó tránh khỏi. Nhiều địa phương chưa có hệ thống dữ liệu cập nhật, chưa có cơ chế thanh tra định kỳ và công khai kết quả hoạt động của các trung tâm.

Vì vậy, vấn đề không nằm ở việc cấm hay không cấm học thêm, mà là quản lý như thế nào cho hiệu quả. Nếu cứ để tình trạng cấm trong trường nhưng ngoài trường lại thả nổi sẽ tạo ra sự mất cân bằng, thậm chí phản tác dụng so với chủ trương ban đầu. Việc xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch, mở nhưng kiểm soát chặt, là điều cần được ưu tiên lúc này.

Một giải pháp dài hạn và khả thi được đề xuất là với các trung tâm dạy thêm tư nhân, cần có quy chế cấp phép chặt chẽ hơn, gắn với điều kiện cơ sở vật chất, hồ sơ giảng viên, kế hoạch giảng dạy, mức học phí… Các địa phương nên công khai danh sách trung tâm đủ điều kiện hoạt động, đồng thời thiết lập kênh tiếp nhận phản ánh từ phụ huynh và học sinh để sớm phát hiện sai phạm.

Học thêm, dạy thêm tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và được các đại biểu quốc hội bàn thảo. Trong đó có vấn đề dạy thêm, học thêm ra sao để hiệu quả, tránh tiêu cực.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trung-tam-day-them-moc-nhu-nam-sau-mua-canh-bao-khoang-trong-quan-ly-386788.html