Học sinh lo lắng vì quy đổi điểm xét tuyển đại học
Kết quả thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội đạt mức điểm không thấp nhưng nhiều học sinh lớp 12 tại Hà Nội vẫn cảm thấy lo lắng vì chưa có gì chắc chắn về khả năng trúng tuyển năm nay.
Theo các học sinh, từ khi học lớp 11 đã thi lấy chứng chỉ IELTS và đạt mức điểm 7.0. Theo kế hoạch, lên lớp 12 sẽ dồn sức dự các kỳ thi riêng gồm Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội và đánh giá năng lực của ĐHQG, thi tốt nghiệp THPT.
“Kết quả Đánh giá tư duy khá ổn nhưng em vẫn chưa có gì chắc chắn vì sẽ phải quy đổi điểm. Để an toàn hơn, em tiếp tục ôn tập để dự kỳ thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp”, học sinh nói.
Không còn xét tuyển sớm, thí sinh sẽ phải cùng lúc dồn sức cho các kỳ thi để có nhiều cơ hội trúng tuyển ngành học mong muốn. Quy chế của Bộ GD&ĐT quy định, năm nay điểm xét tuyển của các phương thức phải quy đổi về chung một thang điểm đồng thời xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT.

Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 có nhiều điểm mới.
Em Đặng Châu Giang, lớp 12D9, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) chia sẻ, để chuẩn bị cho việc tuyển sinh vào đại học năm nay, em và gia đình đã vạch rõ kế hoạch sẽ tham gia các kỳ thi riêng, học và thi chứng chỉ ngoại ngữ. Đến thời điểm này, em đã có kết quả đánh giá năng lực 93/150; điểm IELTS 6.0 và tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT để trúng tuyển vào Đại học Kinh tế Quốc dân hoặc Đại học Luật Hà Nội.
Dù chưa biết kết quả sẽ ra sao nhưng với sự hỗ trợ của bố mẹ và thầy cô, em khá vững vàng tâm lý khi năm nay có nhiều biến động trong thi tốt nghiệp cũng như xét tuyển. “Tuy nhiên, một số bạn học kỳ I chỉ tập trung vào thi chứng chỉ, nhằm tính toán kết hợp học bạ, kết quả các kỳ thi riêng để xét tuyển như những năm trước. Khi có thông tin về quy định mới như bỏ xét tuyển sớm, quy đổi điểm các phương thức đã rất lo lắng”, Châu Giang nói.
Học sinh lớp 12 năm nay cảm thấy rối rắm và chưa hình dung được cách quy đổi điểm giữa các phương thức sang thang điểm chung ra sao, có đảm bảo quyền lợi cho thí sinh hay không, nhất là các em đã bỏ nhiều thời gian, công sức để lấy chứng chỉ ngoại ngữ cũng như dự các kỳ thi riêng. Ngoài ra, không ít em cũng băn khoăn, làm thế nào để hạn chế được rủi ro cho mình khi mỗi trường có một công công thức quy đổi, hệ số khác nhau.
Quy đổi điểm làm khó thí sinh
Trong một chương trình tư vấn tuyển sinh cho học sinh cuối cấp diễn ra trong tháng 3/2025, TS Hà Mạnh Tuấn, Phó trưởng Ban tuyển sinh - Hướng nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, các phương thức tuyển sinh được quy chung về một đầu điểm như năm nay chính là cơ hội công bằng cho tất cả thí sinh.
Theo TS Tuấn, nếu như những năm trước, Đại học Bách Khoa Hà Nội phân bổ chỉ tiêu theo từng phương thức và từng chương trình khác nhau. Ví dụ, chương trình có sức nóng như Công nghệ thông tin có tới 70% chỉ tiêu cho phương án xét tuyển tài năng; 20% chỉ tiêu cho điểm đánh giá tư duy và chỉ có 10% chỉ tiêu cho thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức đó, những năm trước thí sinh phải có điểm thi THPT cao, đạt từ 28 điểm trở lên mới có cơ hội đỗ .
Tuy nhiên năm nay, thí sinh sẽ có cơ hội như nhau vì các chương trình xét tuyển tài năng, đánh giá tư duy sẽ quy về một đầu điểm. Khi đó, việc xét tuyển sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu do đó em có điểm cao đăng ký vào ngành nào sẽ trúng tuyển ngành đó.
Thí sinh có bao nhiêu phương thức xét tuyển thì sẽ có từng đó cơ hội. “Với kỹ thuật xét tuyển của Bộ GD&ĐT hiện nay, học sinh không cần quan tâm đến công thức quy đổi điểm mà hệ thống xét tuyển sẽ tự động quy đổi, tự động chọn trong các phương thức các em hiện có. Theo đó, phương thức nào có điểm cao nhất sẽ được sử dụng để xét tuyển đảm bảo quyền lợi, công bằng nhất cho thí sinh”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học quy đổi các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung có thể nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý, nhất là những năm qua có sự “loạn” xét tuyển. Các trường đại học cùng lúc đưa ra nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau. Tuy nhiên, quy định này đang bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn cho các trường và thí sinh.
Theo TS Vinh, mỗi phương thức tuyển sinh sẽ kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh khác nhau. Khi quy các hình thức tuyển sinh này về một thang điểm sẽ làm mất đi giá trị đặc thù của từng phương thức và khó có thể đảm bảo được sự công bằng cho thí sinh. Mặt khác, trường đại học cũng khó chọn được những sinh viên có năng lực phù hợp với yêu cầu đào tạo của từng ngành.
Các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến cũng thường không sử dụng cách thức quy đổi điểm dạng quy đổi tất cả các phương thức về một thang điểm như vậy.
Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh năm 2024, triển khai công tác tuyển sinh năm 2025 khối đại học và cao đẳng sư phạm mới đây, Bộ GD&ĐT khẳng định, việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 nhằm tăng cường tính minh bạch, công bằng, đảm bảo thuận lợi nhất cho thí sinh và nâng cao chất lượng tuyển sinh.