Học sinh tiểu học hào hứng tham gia các hoạt động tại ngày hội 'Em yêu sử Việt'

Sáng 15-12, tại Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), gần 1.000 học sinh tiểu học đến từ TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã hào hứng tham gia các hoạt động vui chơi, giao lưu bổ ích tại ngày hội 'Em yêu sử Việt' năm học 2023-2024 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.

Học Lịch sử qua các hoạt động trải nghiệm

Có mặt tại ngày hội từ rất sớm, Ngô Hoàng Anh, học sinh lớp 4/3, Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), cho biết, em và các bạn đã cùng nhau tập luyện tiết mục hoạt cảnh lịch sử trong 2 tuần.

" Trong quá trình tham gia tập luyện, em được các thầy cô kể về nhiều trận đánh, chiến thắng lẫy lừng của cha ông nên cảm thấy rất tự hào", Hoàng Anh cho biết.

 Tiết mục múa của Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) tại ngày hội

Tiết mục múa của Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) tại ngày hội

Với Trương Tuấn Phát, học sinh lớp 5/4, Trường Tiểu học Bắc Hải (quận 10), khi tham gia các trò chơi vận động tại ngày hội, em thấy môn Lịch sử trở nên gần gũi, không còn là những kiến thức khô khan trên sách vở.

 Hoạt động xé giấy dán tranh tìm hiểu về chủ đề lịch sử

Hoạt động xé giấy dán tranh tìm hiểu về chủ đề lịch sử

Ngoài việc được vui chơi, nam sinh này cho biết, việc tham gia trả lời các câu hỏi về lịch sử giúp em hệ thống lại kiến thức, hiểu rõ hơn về các giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Riêng với Phan Trường Thịnh, học sinh lớp 5/2, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè), do khoảng cách từ nhà đến địa điểm diễn ra ngày hội khá xa nên em phải dậy từ rất sớm. Tuy nhiên, em và các bạn vô cùng háo hức.

 Trò chơi vận động trường với tên gọi "Khiêng kiệu" tạo nhiều tiếng cười cho học sinh

Trò chơi vận động trường với tên gọi "Khiêng kiệu" tạo nhiều tiếng cười cho học sinh

"Em thích đọc và tìm hiểu về các anh hùng trong các trận chiến. Trong đó, em đặc biệt thích trận chiến trên sông Bạch Đằng với hình ảnh người anh hùng Ngô Quyền", Trường Thịnh bày tỏ.

Đa dạng hình thức học tập

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, ngày hội "Em yêu sử Việt" là một trong các hoạt động góp phần thay đổi cách dạy và học bộ môn Lịch sử tại các trường phổ thông.

Theo đó, nếu học sinh chỉ tiếp thu kiến thức lịch sử qua sách vở sẽ không hấp dẫn bằng việc được học qua trải nghiệm, các trò chơi, từ đó phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

 Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại ngày hội

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại ngày hội

"Một trong các phẩm chất học sinh cần có theo mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là lòng yêu nước. Để thực hiện mục tiêu đó, học sinh cần yêu thích môn Lịch sử, từ chỗ yêu thích mới dành nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử, biết tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc", Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.

 Học sinh thích thú tìm hiểu các trò chơi dân gian

Học sinh thích thú tìm hiểu các trò chơi dân gian

Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), hàng năm ngành giáo dục và đào tạo TPHCM đều tổ chức hoạt động giao lưu cho học sinh tất cả trường tiểu học trên địa bàn thành phố.

Năm học trước, chủ đề giao lưu là tái hiện lịch sử qua các tiết mục sân khấu hóa bằng tiếng Anh. Năm nay, chủ đề lịch sử được tiếp tục nhưng với ngôn ngữ thể hiện là tiếng Việt, thông qua các hoạt động đa dạng như vận động trường, xem phim tư liệu lịch sử, trả lời câu hỏi theo hình thức "Rung chuông vàng"...

 Học sinh tham gia trả lời câu hỏi về kiến thức lịch sử qua phần thi "Rung chuông vàng"

Học sinh tham gia trả lời câu hỏi về kiến thức lịch sử qua phần thi "Rung chuông vàng"

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh) chia sẻ, ngày hội còn tạo cơ hội cho giáo viên các trường tiểu học học hỏi, giao lưu phương pháp dạy học, tạo bước đệm cho việc đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo chương trình mới.

Ở góc độ khác, cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) thông tin, trước khi đến với ngày hội, học sinh đã được giáo viên sinh hoạt về mục đích và ý nghĩa của các hoạt động.

Cùng với đó, việc được khoác lên mình các trang phục truyền thống như áo bà ba, áo dài giúp học sinh càng tự hào hơn về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hoc-sinh-tieu-hoc-hao-hung-tham-gia-cac-hoat-dong-tai-ngay-hoi-em-yeu-su-viet-post718532.html