Học sinh tiểu học Việt Nam đạt kết quả vượt trội trong khu vực Đông Nam Á
Việt Nam đứng đầu ở 3 năng lực Toán học, Đọc hiểu, Viết trong số 6 quốc gia tham gia kì khảo sát.
Sáng 1/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương, nhà trường để tổng kết Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (The Southest Asia Primary Learning Metrics) được triển khai từ năm 2018 đến năm 2021, khảo sát chính thức vào năm 2019 (gọi tắt là SEA PLM 2019).
Chương trình SEA PLM 2019 đánh giá học sinh lớp 5 ở các lĩnh vực Toán học, Đọc hiểu, Viết và Giáo dục công dân toàn cầu.
Theo kết quả, Việt Nam đứng đầu ở 3 năng lực Toán học, Đọc hiểu, Viết trong 6 quốc gia tham gia kì khảo sát gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Philippines.
Phân tích chi tiết kết quả khảo sát tại Việt Nam cho thấy học sinh vùng sâu, vùng xa còn khoảng cách khá xa so với học sinh các vùng khác về kết quả ở 3 lĩnh vực.
Kết quả học tập trong lĩnh vực Toán học của học sinh nữ tương đương với học sinh nam nhưng ở lĩnh vực Đọc hiểu và Viết, học sinh nữ đạt thành tích cao hơn.
Học sinh ở nhóm gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, trung bình cao có mức điểm trung bình và mức độ thành thạo chênh lệch lớn so với nhóm học sinh gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, trung bình thấp.
Trình độ học vấn của cha mẹ càng cao thì kết quả học tập của con cái càng tốt. Bên cạnh đó, nghề nghiệp của cha mẹ, điều kiện học tập ở gia đình cũng có ảnh hưởng khá lớn đến kết quả học tập của học sinh.
TS. Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết bên cạnh mục tiêu chung, Việt Nam tham gia SEA PLM có thêm mục tiêu hội nhập với các nước trong khu vực về giáo dục và đo được mặt bằng giáo dục Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, thông qua hoạt động của SEA PLM, ngành giáo dục đã nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Để phát huy kết quả của kì đánh giá giai đoạn 2018-2021, Cục Quản lý chất lượng cần sớm bàn giao bộ công cụ khảo sát, gửi về các địa phương, từ đó làm cơ sở để các địa phương phân tích, phát triển giáo dục.
Trong giai đoạn tới, các chương trình đánh giá cần được chuẩn hóa quy trình tổ chức để các đối tượng tham gia nhận thức sâu sắc và hoàn thành tốt hoạt động, góp phần vào việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từ phân tích kết quả SEA PLM 2019, đại diện một số Sở GD&ĐT mong muốn được chuyển giao bộ công cụ khảo sát và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng kiểm tra, đánh giá cho cán bộ quản lý, giáo viên để đổi mới dạy học theo định hướng đánh giá năng lực và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.