Học sinh trở lại trường, đề phòng chứng 'stress học đường' ở trẻ
Các biểu hiện của 'stress học đường' thường xuất hiện nhiều ở những ngày đầu trẻ đi học trở lại.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhiều trẻ bị xáo trộn tâm lý, rối loạn cảm xúc và hành vi, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Phải ở nhà học online, xa bố mẹ, thậm chí đi cách ly một mình…đều gây cho trẻ sự hoang mang, lo lắng ở nhiều mức độ khác nhau.
Hiện các địa phương bắt đầu cho học sinh quay trở lại trường, nhưng không ít trẻ có các biểu hiện như khó ngủ, uể oải, đau đầu, căng thẳng, không muốn đi học sau ngày đầu đến trường. Hỏi ra mới biết, mấu chốt nằm ở chỗ trẻ chưa quen với nếp sinh hoạt mới, hoặc phải chịu áp lực do căng thẳng trong việc học. Chứng bệnh được y khoa gọi là “stress học đường”.
Tình trạng “stress học đường” có thể bắt nguồn từ ngoài gia đình hoặc từ chính gia đình trẻ. Chẳng hạn, cha mẹ kỳ vọng ở con cao quá khả năng của trẻ, bắt trẻ học quá nhiều.
Một số trường hợp, sau giờ học ở trường cả ngày, trẻ còn phải đi học thêm nhiều môn khiến trẻ phải di chuyển hết chỗ học này đến chỗ học khác, không còn thời gian để thư giãn, vui chơi. Tình hình còn nghiêm trọng hơn với các học sinh cấp 2 và cấp 3, khi thời gian lớn trong ngày và cả ở nhà, các em phải vùi đầu vào bài vở.
Thường gặp nhất là trẻ bị áp lực học tập, cha mẹ hoặc thầy cô. Có thể do bạn bè bắt nạt, bạo hành, xa lánh. Hoặc do khối lượng bài tập quá lớn, hoặc trẻ không được làm theo ý mình, thấy sự thay đổi trong cơ thể ở tuổi dậy thì, do thấp hơn các bạn đồng trang lứa, không hợp với thầy cô giáo, quá cân nặng so với bạn, chuyển nhà, chuyển trường.
Stress cũng có thể có tác dụng tiêu cực khi trẻ có dấu hiệu thể chất như đau bụng, đau đầu, trẻ có vẻ hiếu động, mệt mỏi hoặc trầm cảm, dễ cau có, không thích các sinh hoạt thường ngày.
Trẻ cũng ít quan tâm đến những sinh hoạt quan trọng và thích ở nhà hơn là tiếp xúc với bạn bè; việc học sa sút, không thích đi học và không thích làm bài, học bài. Trẻ có hành vi chống đối như nói dối, trộm cắp, quên hoặc từ chối làm những việc lặt vặt và có vẻ lệ thuộc cha mẹ hơn trước. Nhưng sự việc đau lòng gần đây như một lời cảnh tỉnh về tình trạng trên.
Cần giúp con trẻ bằng cách nào?
Việc quan trọng nhất là nên cùng trẻ thu xếp một quỹ thời gian biểu học tập hợp lý để đảm bảo cân bằng giữa thời gian học tập và vui chơi. Nhưng hãy nhớ rằng, chỉ khi trẻ có cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thoải mái thì việc học tập mới mang lại hiệu quả.
Tập cho trẻ kỹ năng phân loại bài tập. Những bài tập khó, dài hoặc cần học ngay (như bài kiếm tra) nên ưu tiên thực hiện trước.
Sau 45 – 60 phút làm bài, nên cho bé nghỉ giải lao 5 – 10 phút trước khi tiếp tục. Biện pháp này tuy đơn giản nhưng lại rât có hiệu quả trong việc giúp trẻ lấy lại năng lượng và làm đầu óc tinh táo.
Nếu có điều kiện, nên tổ chức cho trẻ em học nhóm với nhau. Tuy nhiên vẫn cần đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng chống dịch bệnh.
Quan trọng nhất, ba mẹ hãy quan tâm, dành thời gian trò chuyện với con cái, hãy là chỗ dựa tinh thần để con cái có thể bộc lộ cảm xúc, tâm tư, lắng nghe, quan sát, phát hiện những thay đổi tâm lý của con, dù là nhỏ, để có can thiệp kịp thời.