Học sinh vui mừng, cha mẹ lo lắng khi ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc

Phần lớn các em học sinh đều cảm thấy nhẹ nhõm khi ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, trong khi đó phụ huynh học sinh lại sợ rằng khi không còn là môn thi bắt buộc, có thể các em sẽ chểnh mảng với môn học này.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, phương án được lựa chọn là 2+2, tức là thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe và Đời sống, nhiều ý kiến ủng hộ phương án nêu trên. Lý do là phương án này gọn nhẹ, giúp giảm chi phí, tạo điều kiện giúp thí sinh phát huy năng lực theo đúng sở trường. Song bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn cho rằng, khi ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc sẽ làm giảm chất lượng dạy và học môn này.

Em Vũ Ngọc Long, học sinh lớp 10 - Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội) khi biết phương án môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã tỏ ra khá vui mừng. Em cho biết mặc dù ngoại ngữ là môn học em khá yêu thích nhưng khi biết nó không còn là môn thì bắt buộc thì lại cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn rất nhiều.

Em Vũ Ngọc Long, Trường THPT Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ảnh Quỳnh Mai

Em Vũ Ngọc Long, Trường THPT Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ảnh Quỳnh Mai

"Khi chỉ còn Toán và Văn là 2 môn thi bắt buộc thì em vẫn sẽ chọn tiếng Anh là một trong những môn thi tự chọn, vì em học môn tiếng Anh khá tốt. Nhưng thực sự khi em biết nó không còn là môn thi bắt buộc nữa thì em lại cảm thấy được giảm áp lực hơn rất nhiều. Bởi khi nó trở thành môn học được lựa chọn thay vì bắt buộc, cảm giác vẫn nhẹ nhõm và yêu thích hơn", Long chia sẻ.

Cùng tâm trạng, em Nguyễn Ngọc Tâm, học sinh lớp 11 Trường THPT Chu Văn An (Yên Bái) cũng tỏ ra vui mừng trước phương án nêu trên.

"Thay vì bắt buộc thì nên để học sinh chúng em tự lựa chọn, em nghĩ sẽ phù hợp hơn. Hơn nữa, không còn là môn thi bắt buộc thì nhiều bạn cũng sẽ giảm được áp lực học tập. Từ đó phát huy những môn học sở trường, khả năng thi đậu nguyện vọng I cũng sẽ tăng lên", em Nguyễn Ngọc Tâm bày tỏ.

Em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12 – Trường THPT số 1 Bảo Thắng (Lào Cai) cũng tỏ ra vui mừng trước phương án này, nhưng có phần tiếc nuối khi năm 2025 mới được áp dụng. Minh Anh cho biết, ngoại ngữ không phải là thế mạnh của em.

Thầy cô đồng tình, phụ huynh lo lắng trước phương án môn thi tốt nghiệp THPT

Ghi nhận thực tế, phần lớn phụ huynh tỏ ra lo lắng trước phương án 2+2 vì cho rằng, ngoại ngữ rất quan trọng, nếu không còn là môn thi bắt buộc có thể các em sẽ chểnh mảng với môn học này. Còn về phía thầy cô, đa số đều đồng tình trước phương án nêu trên.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Đỗ Vi

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Đỗ Vi

Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, thầy Phan Huy Chính – Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết, bản thân rất đồng tình với phương án môn thi tốt nghiệp THPT được Bộ GDĐT lựa chọn.

Thầy Phan Huy Chính cho rằng, ngoại ngữ là một môn học đòi hỏi sự yêu thích và một chút năng khiếu nên nếu cứ ép buộc thì sẽ gây áp lực lớn. Việc để ngoại ngữ là môn thi tự chọn sẽ giúp giảm tải rất nhiều cho học sinh.

Trước thực trạng nhiều phụ huynh lo lắng con em mình sẽ chểnh mảng với môn ngoại ngữ, thầy Phan Huy Chính động viên "phụ huynh cứ yên tâm, bởi khi đã yêu thích thì dù là môn chính hay phụ các em cũng sẽ vẫn học".

"Em nào có nhu cầu, yêu thích với môn học thì vẫn sẽ học. Không thể vì chuyển từ môn bắt buộc sang tự chọn lại làm thay đổi niềm yêu thích của các em.

Hơn nữa, ngoại ngữ hiện được bắt buộc học từ năm lớp 3 đến lớp 12 và các kỳ thi chuyển cấp đều có môn thi này. Khi lên bậc đại học, các trường cũng quy định về chất lượng đầu ra ngoại ngữ với sinh viên khi tốt nghiệp. Vì vậy, học ngoại ngữ là học cả quá trình, không thể nói vì một kỳ thi tốt nghiệp THPT mà các em chểnh mảng với ngoại ngữ", thầy Phan Huy Chính nêu quan điểm.

Tại họp báo công bố phương án tổ chức kì thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra chiều 29/11, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lí chất lượng - Bộ GDĐT cho biết, nếu tổ chức thi ngoại ngữ, không chỉ riêng môn tiếng Anh mà tới 7 môn ngoại ngữ. Tiếng Anh là 1 trong các môn ngoại ngữ các trường THPT đang chọn để học.

Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc không có nghĩa là thí sinh không được thi. Các em hoàn toàn được quyền thi môn đó theo sự lựa chọn trong quá trình học và thi.

Lý giải về việc ngoại ngữ không còn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025, ông Chương cho rằng, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 và đến hết bậc THPT. Như vậy, trong suốt quá trình từ lớp 3 - 12, các em học sinh đều được học, kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ.

Mời bạn đọc xem tiếp video: Chốt phương án 4 môn thi tốt nghiệp THPT 2025: Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc

Chốt phương án 4 môn thi tốt nghiệp THPT 2025: Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoc-sinh-vui-mung-cha-me-lo-lang-khi-ngoai-ngu-khong-con-la-mon-thi-bat-buoc-169231130161956882.htm