Học tập suốt đời
Cứ cuối tuần, người lớn, trẻ nhỏ làng Đông Xuyên, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh lại đến 'điểm hẹn' là thư viện trong căn nhà 3 gian thờ của gia đình bà Đào Thị Khanh.
Đi vào hoạt động chưa lâu nhưng thư viện này đã phát hành hơn 800 thẻ bạn đọc thường xuyên. Mỗi ngày mở cửa, thư viện đón từ 30 đến 50 bạn đọc. Là một mô hình độc đáo hình thành từ sự kết hợp giữa hội khuyến học và gia đình nên đến thư viện, người đọc không chỉ được hướng dẫn tận tình để tìm sách phù hợp, tham gia hội thảo, tọa đàm về sách như thư viện truyền thống mà còn được chia sẻ tình cảm láng giềng, những câu chuyện sức khỏe, hướng dẫn nữ công gia chánh, học hát ca trù... Ở đây, việc học tập suốt đời trở thành phong trào, thành thói quen được người người hưởng ứng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định “học không bao giờ cùng”, “không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”... Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) coi học tập suốt đời là nền tảng khung của mọi cuộc cải cách giáo dục. Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đây là kỹ năng quan trọng, giúp phát triển bản thân và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Những ngày này, ở làng Đông Xuyên và mọi miền Tổ quốc đang diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 (từ ngày 2 đến 8-10). Các hoạt động góp phần thu hút sự tham gia tích cực của xã hội, khuyến khích người dân chủ động học tập thường xuyên, liên tục suốt đời, hướng tới xây dựng một xã hội học tập. Tuy nhiên, không phải ở đâu các hoạt động này cũng mang lại hiệu quả. Có những nơi, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời chỉ là hoạt động "khua chiêng, gõ mõ", là việc của một vài cán bộ quản lý và những người làm công tác khuyến học. Cả năm thêm một vài lần trao quà động viên vào ngày nọ ngày kia cho có. Năm sau, đến hẹn lại lên, kịch bản lặp lại như cũ. Vì thế, người dân chưa ý thức sâu sắc được việc học tập suốt đời cần thiết đến đâu, chưa hứng khởi để cải thiện bản thân. Tình trạng lười, ngại học có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Cách đây hai năm, khi thực hiện vệt bài “Gỡ nút thắt đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp”, chúng tôi đã thực hiện khảo sát ở nhiều khu công nghiệp lớn trên cả nước. Kết quả cho thấy, 65% công nhân ngủ, nghỉ tại nhà; 54% xem điện thoại; 27% xem ti vi vào ngày nghỉ cuối tuần và thời gian rảnh. Không chỉ công nhân, nông dân, ngay giới công chức, dân văn phòng khi được hỏi cũng đều có những lý do chính đáng để trì hoãn việc học như sức khỏe kém, công việc áp lực, cần nghỉ ngơi, thậm chí thói quen trì hoãn đã ăn sâu bám rễ trong tâm thức...
Có tri thức thì mới sinh ra cơ sở vật chất, sinh ra sức mạnh của lao động, đất nước mới phát triển... Làm sao để Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời không chỉ là dịp thúc đẩy, động viên toàn xã hội học tập mà còn là động lực, khởi đầu sự học của toàn dân, rất cần những hình thức đa dạng, thiết thực. Trước hết, cần thay đổi nhận thức để việc khuyến học, khuyến tài không chỉ là việc của ngành giáo dục hay các hội khuyến học mà của toàn xã hội. Hơn hết, mỗi người cần có động lực của riêng mình, bản thân phải thực sự yêu thích việc học, nhận ra được tính hữu dụng của kiến thức. Đặc biệt, đảng viên phải là những người đi đầu trong việc nêu cao tinh thần tự học, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
HIỀN VINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/hoc-tap-suot-doi-746029