Học và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất
Sau ba năm (2016 - 2019) thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Ðà Nẵng đã có nhiều cách làm mới, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên, nhân dân với tinh thần 'Học và làm theo Bác từ những điều nhỏ nhất'.
Trong căn nhà nhỏ trên đường Trưng Nữ Vương, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, Ðại tá Phạm Xuân Sanh đã 80 tuổi tròn, nhưng giọng nói, ánh nhìn vẫn hào sảng như hồi còn là đặc công nước, bơi lặn hàng mấy cây số trên biển để đánh chìm hạm đội tàu chiến Mỹ neo đậu trong vịnh Ðà Nẵng hơn 50 năm trước. Nghỉ hưu, Ðại tá Phạm Xuân Sanh về tham gia công tác địa phương, với nhiều cương vị khác nhau. Từ năm 2009 đến nay, ông làm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 7. Năm 1994, ông đứng ra vận động thành lập Hội Huynh đệ phường Bình Hiên, năm 2004 nâng cấp thành Hội Huynh đệ quận Hải Châu, một cơ sở của Hội Huynh đệ Á-Âu tại Pháp, với mục đích vận động tài trợ nuôi dưỡng, học tập và học nghề cho trẻ em mồ côi, con em hộ nghèo trên địa bàn quận Hải Châu. Từ năm 1995 đến nay, Ðại tá Phạm Xuân Sanh cùng Trung tâm Huynh đệ quận Hải Châu đã hỗ trợ, nuôi dạy hơn 160 trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có 68 em đã tốt nghiệp thạc sĩ, đại học, cao đẳng, 36 em hoàn thành chương trình học nghề, trong đó 30 em đã có việc làm ổn định; 58 em đang học văn hóa và học nghề. Tất cả trẻ được Trung tâm nhận nuôi dưỡng đều được tạo điều kiện tốt để học hành, không bỏ học nửa chừng với số tiền tài trợ hằng tháng từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng/em. Ông Sanh chia sẻ: “Với tinh thần “anh Bộ đội Cụ Hồ”, tôi luôn tâm niệm là: học và làm theo Bác bắt đầu từ việc nhỏ nhất, việc có ích là phải làm cho kỳ được, đừng sống ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình. Tôi và Hội Huynh đệ Á-Âu không chỉ giúp đỡ về vật chất, mà luôn quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách cho các cháu mồ côi, đặc biệt khó khăn thông qua sinh hoạt, học tập, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, sai trái nhất thời”. Anh Lê Minh Tuấn, 20 tuổi, ở tổ 12, phường Bình Hiên kể: “Em mồ côi cha mẹ, bị mù không lao động được, nhờ có bác Sanh và Hội Huynh đệ cưu mang từ năm lớp 1, nay em đang học đại học năm thứ 2. Em luôn tự hứa với mình là phải học thật tốt, cố gắng rèn luyện để sau này có việc làm ổn định và biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè, hàng xóm, những người quanh mình”.
Cũng như Ðại tá Phạm Xuân Sanh, sau khi rời quân ngũ, anh Nguyễn Hưng Long tham gia công tác đoàn ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Anh lặng lẽ giúp đỡ những người khó khăn, nghèo khổ bằng cách trích một phần phụ cấp, từ thu nhập gia đình, rồi đi vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng chung tay góp sức giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Mân Lập Ðông, anh Nguyễn Hưng Long còn là Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận Sơn Trà, cho nên càng có điều kiện để vận động các gia đình phật tử, nhà hảo tâm… giúp đỡ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Ba năm trước, mẹ cháu Ðào Thị Kim Vân, 12 tuổi, ở phường Mân Thái mất đột ngột, một mình bố chài lưới ven bờ không đủ nuôi ba con nhỏ, Vân định bỏ học. Biết tin, anh Long đến động viên, hỗ trợ cháu Vân 150 nghìn đồng/tháng để cháu có điều kiện tới trường. Anh trải lòng: “Tôi thường xuyên đọc, xem những câu chuyện về Bác Hồ, về sự quan tâm của Bác dành cho mọi người, cho đất nước. Tôi học Bác, làm theo Bác từ việc biết nghĩ cho người khác, làm vì người khác, không vụ lợi cá nhân. Làm công tác Mặt trận, tôi học Bác sự giản dị, hòa đồng, gần gũi, lắng nghe và hiểu được mong muốn, nguyện vọng chính đáng của từng người dân”. Ðể làm tốt vai trò của mình trong việc tập hợp, vận động nhân dân, ngoài công việc thường ngày, anh dành thời gian đến các hộ gia đình nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng hộ dân, tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn.
Việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Ðà Nẵng đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hình thức phong phú, lôi cuốn sự quan tâm và tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét về nhận thức, tư tưởng và hành động. Nhiều cách làm mới, thiết thực đã xuất hiện và được nhân rộng: Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thực hiện cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; Ðảng ủy Công an và Ðảng ủy Cảnh sát phòng cháy chữa cháy triển khai thực hiện gắn với phong trào Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ; Thành đoàn Ðà Nẵng phát động cuộc vận động Tuổi trẻ thực hành tiết kiệm, thực hiện mô hình “Nhật ký làm theo lời Bác”; các đơn vị như Tổng công ty Ðiện lực miền trung, Ban Quản lý khu công nghiệp TP Ðà Nẵng... lựa chọn các nội dung gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và kinh doanh, nâng cao ý thức, thái độ, tinh thần phục vụ khách hàng.
Tại Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), 50 năm thực hiện Di chúc của Bác do Thành ủy Ðà Nẵng tổ chức mới đây, có rất nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình về học tập và làm theo Bác được biểu dương. Anh Nguyễn Duy Thành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Ðà Nẵng chia sẻ: Tôi đã xây dựng và phụ trách hai chuyên mục trên trang thông tin điện tử của Thành đoàn Ðà Nẵng là “Theo dấu chân Bác” và “Mỗi ngày một tin tốt”, thường xuyên sưu tầm, đưa lên chuyên mục những bài viết về tư tưởng, đạo đức, phong cách làm việc của Bác Hồ, những mẩu chuyện kể về Bác, để mọi người cùng đọc, hiểu và làm theo; những câu chuyện, những thông tin về gương người tốt việc tốt, những hoạt động của đoàn viên, thanh niên ở Ðà Nẵng, để từ đó biểu dương, ngợi ca và nhân rộng các mô hình học tập và làm theo Bác trong toàn thể thanh thiếu niên, nhi đồng thành phố.
Đánh giá kết quả ba năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo Bác trên địa bàn thành phố, đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ðà Nẵng khẳng định: Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng của thành phố đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả, từng bước tạo ra nếp sinh hoạt văn hóa thường xuyên trong đời sống cán bộ đảng viên, trong hoạt động, công tác của các tổ chức cơ sở đảng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần thiết thực trong việc xây dựng Ðà Nẵng trở thành thành phố giàu mạnh, an bình, văn minh, hiện đại; việc học tập và làm theo Bác đã có sức lan tỏa trong xã hội, giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào Ðảng, vào chính quyền.