Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 2): Phân biệt Sở Giao dịch Hàng hóa và Sàn thương mại điện tử

Báo Công Thương trả lời thắc mắc của nhiều bạn đọc về mô hình hoạt động và các sản phẩm được giao dịch trên Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Bạn đọc Phạm Minh Anh ở TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: Sở Giao dịch Hàng hóa có phải một loại hình Sàn Giao dịch thương mại điện tử hay không? Bạn đọc Trần Anh Thư ở Đà Nẵng hỏi: Những loại hàng hóa nào đang được giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)?

Sở Giao dịch Hàng hóa có phải một loại hình Sàn Giao dịch thương mại điện tử hay không?

Sở Giao dịch Hàng hóa không phải là một loại hình Sàn giao dịch thương mại điện tử.

Sở Giao dịch hàng hóa là Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định pháp luật chuyên ngành. Sở Giao dịch Hàng hóa có chức năng: (i) Thực hiện việc niêm yết, giao dịch các sản phẩm (Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn) để người mua và người bán có thể giao dịch mà không cần phải gặp trực tiếp; (ii) Tổ chức, điều hành, cung cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật để giao dịch hàng hóa diễn ra; (iii) Liên thông với các Sở Giao dịch Hàng hóa ở nước ngoài để hàng hóa của Sở này có thể được giao dịch ở Sở kia và ngược lại.

Sàn Giao dịch thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng, ví dụ: Lazada, Shopee, Tiki, …

Sàn Giao dịch thương mại điện tử là mô hình thị trường 1 cấp, giao dịch truyền thống song phương, không cần hệ thống giao dịch điện tử. Trong khi đó, Sở Giao dịch Hàng hóa là mô hình thị trường 2 cấp, giao dịch đa phương, phải có hệ thống giao dịch khớp lệnh chuẩn quốc tế.

Mô hình hoạt động của MXV

Mô hình hoạt động của MXV

Với những đặc điểm nêu trên, cho thấy bản chất của Sở Giao dịch Hàng hóa và Sàn Giao dịch thương mại điện tử là khác nhau và lần lượt đóng các vai trò riêng biệt trong hoạt động thương mại.

Sở Giao dịch Hàng hóa đang được quản lý trực tiếp bởi Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương. Sàn Giao dịch thương mại điện tử đang hoạt động dưới sự quản lý của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.

Những loại hàng hóa nào được giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa?

Là những hàng hóa được tiêu chuẩn hóa theo quy định của Sở Giao dịch Hàng hóa, trong đó đối với mỗi loại hàng hóa sẽ có Đặc tả quy định chi tiết về số lượng, chất lượng, chủng loại, xuất xứ, kỳ hạn thực hiện giao nhận hàng vật chất để niêm yết tại Sở Giao dịch Hàng hóa. Do đó khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa có thể hạn chế được các rủi ro liên quan đến chất lượng, số lượng hàng hóa so với các kênh thương mại truyền thống.

Không quy định về việc phải là hàng hóa được sản xuất bởi đối tượng/đơn vị nào.

Các thông tin về việc giao nhận hàng hóa, thực hiện nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa được thể hiện trên các loại Hợp đồng mua bán qua Sở Giao dịch Hàng hóa (gồm Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn) và tiêu chuẩn niêm yết của Sở Giao dịch Hàng hóa.

Hiện nay, MXV đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất trên thế giới. Các sản phẩm này được giao dịch dưới hình thức điện tử, thời gian giao dịch theo quy định của các Sở Giao dịch quốc tế liên thông đối với từng mặt hàng, thông thường diễn ra từ 5h sáng thứ Hai đến 5h sáng thứ Bảy hàng tuần.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-dap-giao-dich-hang-hoa-so-2-phan-biet-so-giao-dich-hang-hoa-va-san-thuong-mai-dien-tu-243181.html