Hỏi-đáp pháp luật: Giấy chứng nhận bảo hiểm bao gồm những nội dung gì?

* Bạn đọc Đỗ Nam ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, giấy chứng nhận bảo hiểm bao gồm những nội dung gì?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Khoản 2, Điều 10, Nghị định 67/2023/NĐ-CP ngày 6-9-2023 quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Cụ thể như sau:

Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.

b) Biển số xe và số khung, số máy.

c) Loại xe, trọng tải, số chỗ, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.

d) Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.

đ) Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với người thứ ba.

e) Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.

g) Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.

h) Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

i) Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và định danh sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

* Bạn đọc Lê Thu Hương ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trách nhiệm của người lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 17 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Cụ thể như sau:

1. Chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

2. Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao.

3. Phải tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trước khi sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây mất an toàn, vệ sinh lao động, hành vi vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

QĐND

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-giay-chung-nhan-bao-hiem-bao-gom-nhung-noi-dung-gi-763349