Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành vận hành như thế nào trong xét duyệt GS,PGS?

Năm nay, Hội đồng Giáo sư ngành sẽ xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư trong khoảng thời gian từ ngày 29/8 đến 26/9/2025.

Nhiều năm qua, Hội đồng Giáo sư nhà nước duy trì thành lập 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành hàng năm để phục vụ cho công tác xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Năm 2024, cơ cấu này tiếp tục được giữ nguyên. Trong đó, trừ hai Hội đồng Khoa học An ninh và Khoa học Quân sự theo thông lệ không công khai, tổng số thành viên của 26 Hội đồng còn lại là 279 người, gồm 258 giáo sư và 21 phó giáo sư.

 Hình ảnh một phiên họp xét công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các ứng viên của Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa (năm 2019). Ảnh: HUTECH

Hình ảnh một phiên họp xét công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các ứng viên của Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa (năm 2019). Ảnh: HUTECH

Hội đồng ngành/liên ngành thực hiện những công việc gì trong mỗi mùa xét duyệt?

Hoạt động của các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành được quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo Điều 16 của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành là bộ phận chuyên môn giúp việc cho Hội đồng Giáo sư nhà nước. Việc thành lập và bổ nhiệm thành viên các Hội đồng này do Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước quyết định, căn cứ theo Quy chế tổ chức và hoạt động do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Các Hội đồng có trách nhiệm giúp Hội đồng Giáo sư nhà nước đánh giá năng lực chuyên môn, kết quả và định hướng nghiên cứu của ứng viên theo từng chuyên ngành; tổ chức thẩm định hồ sơ ứng viên cũng như kết quả xét duyệt từ Hội đồng cơ sở; tổng hợp và báo cáo kết quả; tham gia xét việc hủy bỏ công nhận chức danh trong những trường hợp vi phạm; đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xét công nhận, bổ nhiệm hay miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Đối với việc hủy bỏ công nhận chức danh, Điều 29 của Quyết định 37/2018/QĐ-TTg nêu rõ ba trường hợp cụ thể gồm: ứng viên bị phát hiện không đủ tiêu chuẩn tại thời điểm được công nhận; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, bị thu hồi hoặc bị tước bằng tiến sĩ; và bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

Tiếp đó, để cụ thể hóa các quy định tại Quyết định 37, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BGDĐT ngày 28/3/2019, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 06/2020/TT-BGDĐT. Trong đó, Điều 13 quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành (sau đây gọi là Hội đồng Giáo sư ngành).

Cụ thể, các Hội đồng Giáo sư ngành được giao thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu trong Điều 16 của Quyết định 37, đồng thời đảm nhiệm một số công việc cụ thể như thu nhận hồ sơ ứng viên do Hội đồng Giáo sư nhà nước chuyển giao, triển khai kế hoạch công tác đã được phê duyệt, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của Hội đồng.

Bên cạnh đó, các Hội đồng cũng được giao nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định luận án tiến sĩ phù hợp với ngành, chuyên ngành do Hội đồng đảm trách khi có yêu cầu.

Quy trình lập Hội đồng mới mỗi năm: Ai giới thiệu ai?

 28 Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước cũng đồng thời là Chủ tịch 28 Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành. (Hình ảnh phiên họp lần thứ II của Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029, ảnh từ Hội đồng Giáo sư nhà nước)

28 Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước cũng đồng thời là Chủ tịch 28 Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành. (Hình ảnh phiên họp lần thứ II của Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029, ảnh từ Hội đồng Giáo sư nhà nước)

Thông tư cũng quy định rõ cơ cấu tổ chức và cách thức vận hành của Hội đồng Giáo sư ngành. Trong đó, Điều 14 quy định Hội đồng Giáo sư ngành có từ 7 đến 15 thành viên, gồm Chủ tịch, một Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên. Việc thành lập và bổ nhiệm các thành viên do Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước quyết định dựa trên yêu cầu nhiệm vụ hàng năm. Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành đồng thời là Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước. Số lượng thành viên của cùng một cơ sở giáo dục đại học tham gia trong một Hội đồng Giáo sư ngành không quá 03 (ba) người.

Trong trường hợp một thành viên của Hội đồng đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư, người đó sẽ không được tham gia thảo luận hay đánh giá hồ sơ của chính mình.

Trình tự bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng được quy định rõ ràng. Trước hết, các cơ sở có thể giới thiệu nhân sự theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 7 của Thông tư (có thể thực hiện độc lập hoặc kết hợp với quá trình giới thiệu ứng viên vào Hội đồng Giáo sư nhà nước).

Thứ nhất, Hội đồng Giáo sư ngành của nhiệm kỳ trước có thể giới thiệu ứng viên làm Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước. Số lượng ứng viên được giới thiệu không vượt quá số lượng thành viên của hội đồng ngành nhiệm kỳ trước.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục đại học có thể giới thiệu tối đa ba ứng viên cho mỗi ngành.

Thứ ba, các nhà giáo, nhà khoa học đang giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học có thể được giới thiệu thông qua hình thức trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ chỉ đạo xây dựng phương án giới thiệu trực tuyến phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế từng năm.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ các nguồn trên, Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước tổng hợp danh sách ứng viên từ các nguồn giới thiệu, trình Thường trực Hội đồng Giáo sư nhà nước xem xét, thống nhất danh sách thành viên, Phó Chủ tịch và Thư ký Hội đồng. Trên cơ sở ý kiến thống nhất đó, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ quyết định chính thức thành lập Hội đồng Giáo sư ngành và bổ nhiệm các chức danh.

Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước bổ nhiệm đặc cách một số thành viên Hội đồng Giáo sư ngành phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Hội đồng.

Để bảo đảm tính công khai và minh bạch, danh sách thành viên và bản lý lịch khoa học của họ được công bố công khai và cập nhật hằng năm trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Kinh phí hoạt động của các Hội đồng Giáo sư ngành được chi trả từ ngân sách của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành

Về nhiệm vụ cụ thể, Điều 15 quy định Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành không chỉ là người điều hành các cuộc họp mà còn có trách nhiệm tổ chức xét tiêu chuẩn ứng viên, giải quyết công việc của Hội đồng và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước cũng như trước pháp luật về hoạt động của Hội đồng. Chủ tịch cũng tham gia các hoạt động chuyên môn của Hội đồng như một thành viên bình đẳng và được hưởng thù lao theo quy định.

Theo Điều 16, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành là người hỗ trợ và thay mặt Chủ tịch xử lý công việc khi được ủy quyền. Phó Chủ tịch cũng tham gia xét duyệt hồ sơ và các hoạt động khác với tư cách thành viên Hội đồng, đồng thời được hưởng thù lao theo quy định hiện hành.

Điều 17 quy định Thư ký Hội đồng có nhiệm vụ giải quyết các công việc của Hội đồng Giáo sư ngành theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành. Xây dựng hồ sơ báo cáo Hội đồng Giáo sư nhà nước kết quả xét của Hội đồng Giáo sư ngành. Bên cạnh đó, Thư ký cũng là thành viên tham gia các hoạt động chuyên môn của Hội đồng và được hưởng thù lao theo luật định.

Cuối cùng, Điều 18 xác định nhiệm vụ và quyền hạn của các Ủy viên trong Hội đồng Giáo sư ngành. Các Ủy viên tham gia xử lý công việc theo phân công của Chủ tịch, đồng thời là một phần không thể thiếu trong quy trình xét duyệt hồ sơ ứng viên. Giống như các thành viên khác, họ được hưởng thù lao theo quy định pháp luật.

Theo lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025, từ ngày 1/7 đến 22/7, các Hội đồng Giáo sư cơ sở sẽ tiến hành xét duyệt hồ sơ.

Từ ngày 29/8 đến 26/9, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành tiếp tục xét duyệt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Cuối cùng, từ ngày 20/10 đến 31/10, Hội đồng Giáo sư nhà nước họp để xét duyệt và công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025.

Nguyên tắc làm việc của các Hội đồng Giáo sư

Các Hội đồng Giáo sư hoạt động trên cơ sở nguyên tắc tập thể, công khai và dân chủ, nhằm đảm bảo minh bạch và khách quan trong toàn bộ quy trình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo quy định tại Điều 18, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các phiên họp chỉ được tiến hành khi có ít nhất 3/4 tổng số thành viên của hội đồng tham dự. Trong mỗi kỳ xét, hội đồng chỉ bỏ phiếu một lần cho mỗi ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh.

Hoạt động của các Hội đồng Giáo sư Nhà nước, ngành và liên ngành được triển khai thông qua các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất. Các cuộc họp này có thể được triệu tập theo đề nghị của Chủ tịch hội đồng hoặc khi có trên một nửa tổng số thành viên đề xuất. Ngoài hình thức họp trực tiếp, các hội đồng cũng có thể họp qua mạng hoặc tiến hành lấy ý kiến bằng văn bản để phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Đáng chú ý, việc tổ chức họp lại để xét cho một ứng viên chỉ được phép thực hiện khi có văn bản chính thức của cơ quan có thẩm quyền kết luận rằng quá trình xét công nhận trước đó đã vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoi-dong-giao-su-nganhlien-nganh-van-hanh-nhu-the-nao-trong-xet-duyet-gspgs-post251115.gd