Dạy học 2 buổi/ngày: Tạo môi trường học tập tích cực
Để việc học 2 buổi/ngày đạt hiệu quả, các nhà trường phải làm thế nào để một ngày ở trường học sinh không chỉ học văn hóa, mà được phát triển năng lực, học các môn văn hóa nghệ thuật.
Giảm tải chương trình
Cô T.T. Thu, giáo viên dạy Ngữ văn tại Nam Định cho hay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn Ngữ văn yêu cầu giáo viên phải đạt được 5 - 6 hoạt động/tiết dạy. Thực chất, trong thời gian 45 phút, giáo viên thường chỉ đảm bảo được 2-3 hoạt động theo yêu cầu.
Hiện nay, nhà trường nơi cô Thu công tác đã triển khai dạy học 2 buổi/ngày với thời lượng 3 ngày/tuần, 2 ngày còn lại học 1 buổi và nghỉ Thứ 7. Nhà trường thực hiện giảm số tiết dạy buổi 1 chuyển sang buổi 2.
Học sinh học các môn văn hóa cả ngày ở trường. Cô Thu cho hay, trong chương trình giáo dục 2018, các hoạt động có thể triển khai cho học sinh thực hành môn Ngữ văn. Nhưng hiện nay giáo viên chưa thực hiện vì không đủ thời gian.
Theo quy định mỗi tuần, giáo viên dạy 19 tiết, nhưng hiện nay cô Thu phải đảm nhận 22 tiết. Số tiết vượt quy định giáo viên chưa được nhận kinh phí hỗ trợ. Nếu tăng cường hoạt động thực hành, thực tế cho học sinh, cô Thu cho rằng hoặc phải giảm tiết học, đồng nghĩa với cắt giảm chương trình hoặc phải bổ sung thêm giáo viên.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề, Mù Cang Chải (Yên Bái) trong giờ giải lao. Ảnh: NGHIÊM HUÊ
Ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết, hầu hết các trường THCS trên địa bàn huyện dạy bán trú nên học sinh học 2 buổi/ngày. Trong đó, buổi 1 dạy theo chính khóa, buổi 2 tổ chức ôn tập và hoạt động ngoại khóa.
Ở Mèo Vạc nói riêng và Hà Giang nói chung, trường học tổ chức hoạt động đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy, xóa bỏ hủ tục, hướng nghiệp, trải nghiệm. Các hoạt động trải nghiệm thực hiện theo điều kiện của từng trường. Ví dụ những trường được dự án PLAN International tài trợ tổ chức cho học sinh trồng rau, trồng nấm, nuôi gà vừa giúp học sinh vừa trải nghiệm thực tế vừa có thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày; những trường khác tổ chức cho học sinh tham quan các điểm di tích văn hóa lịch sử…
Những tiết dạy văn hóa truyền thống được triển khai khá đa dạng, có trường tổ chức thành lớp học như múa khèn, hát dân ca, đánh trống. Nhà trường mời nghệ nhân tại địa phương, hoặc lồng ghép trong các tiết học. Ngoài ra, định kỳ trong năm hoặc học kỳ có tổ chức hội thi như trình diễn trang phục dân tộc, dân ca.
Để học trò trở thành phiên bản tốt nhất
Chương trình giáo dục 2018 yêu cầu bậc tiểu học bắt buộc học 2 buổi/ngày (triển khai từ năm 2020). Ở bậc THCS, Bộ GD&ĐT khuyến khích các địa phương tạo điều kiện để tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Trước đó, năm 2013, Bộ GD&ĐT ban hành công văn 791 về thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông.
Chương trình thí điểm này thực hiện dạy 2 buổi/ngày và đưa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm triển khai trong nhà trường. Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) là một trong số các trường thực hiện thí điểm từ ngày đó. Là người nhận nhiệm vụ quản lý nhà trường thời điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Anh (nay là Tổng GĐ điều hành NS International Education, hệ thống giáo dục Trường Nguyễn Siêu, Hà Nội) nhớ lại, năm 2013, khái niệm về “chương trình nhà trường” còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Giáo viên dạy môn Sinh học sẽ giao nhiệm vụ học tập theo nhóm để học sinh sang Bảo tàng Sinh học và Vườn sinh học của khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng nhau tạo ra các sản phẩm học tập thú vị.
Quá trình đó buộc học sinh phải hợp tác, phải sáng tạo và chính điều đó giúp các em học sâu hơn, nhớ lâu hơn, yêu thích việc học hơn. Thay vì truyền thụ một chiều, giáo viên chuyển sang cách dạy học thông qua khám phá và trải nghiệm”, bà Thu Anh nói.
Trao đổi với phóng viên, Bộ GD&ĐT cho biết đang lắng nghe ý kiến của địa phương và chờ chỉ đạo của Chính phủ để xây dựng đề án hướng dẫn các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh và kì vọng mới.
Ngoài ra, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức dạy học phân hóa theo sở thích các môn Nghệ thuật (Sáo, nhạc cụ dân tộc, Hát, Nhảy dân vũ, Guitar,…) và Thể thao (Bóng đá, Bóng rổ, Võ thuật, Cầu lông,…), học sinh rất hứng thú với các môn học này.
Thuận lợi của trường là sự đồng thuận của tập thể giáo viên cùng thiết kế nội dung dạy học, thay đổi hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Học sinh tại Hà Nội trong 1 tiết học. Ảnh: NGHIÊM HUÊ
Qua thực tế hơn 10 năm triển khai chương trình giáo dục nhà trường, theo bà Thu Anh việc xây dựng kế hoạch giáo dục phát triển năng lực học sinh không dễ. Khó khăn lớn nhất là vượt qua tâm lí ngại thay đổi của một bộ phận giáo viên, do vậy, nhà trường chủ động giúp đỡ họ từng bước thay đổi. Khi năng lực giáo viên được nâng lên, chất lượng giáo dục cũng theo đó tăng lên rõ rệt.
Thực tế, khi Thông tư 29 về dạy thêm học thêm có hiệu lực, nhiều trường loay hoay không giải quyết được việc bố trí thời gian trống cho học sinh như thế nào khi những tiết học có thu phí không còn được thực hiện.
Trước câu hỏi của phóng viên vì sao có thực trạng này, bà Thu Anh cho biết, việc này rất dễ hiểu. Trong thời gian dài, hoạt động dạy thêm có thu tiền được coi là giải pháp giúp “bù đắp” cho chương trình chính khóa cả về thời lượng học lẫn nguồn tài chính.
Khi bị chấm dứt đột ngột, nhiều trường bị động, không có phương án thay thế phù hợp. Nguyên nhân sâu xa do chương trình chính khóa chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, trong khi các lớp học thêm trước đây lại giúp bồi dưỡng nâng cao, bổ trợ cho học sinh yếu, hoặc phát triển năng lực cá nhân.
Ngoài ra, nhiều trường chưa có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục thay thế, cơ sở vật chất còn hạn chế, đội ngũ chưa được đào tạo để đổi mới phương pháp giáo dục một cách toàn diện.
Trong bối cảnh đó, người hiệu trưởng sẽ không than phiền, “đổ lỗi” để tập trung thiết kế lại kế hoạch giáo dục nhà trường, lồng ghép với các hoạt động trải nghiệm, thể thao, nghệ thuật, kĩ năng sống; tuyên truyền để thay đổi nhận thức của phụ huynh về “học thêm” - chuyển từ học thụ động sang học cách học.
Huy động học sinh giúp đỡ nhau trong học tập cũng là “bí quyết” thành công của nhiều hiệu trưởng trong việc tạo dựng môi trường học tập tích cực, phát triển năng lực tự học trong điều kiện không tổ chức dạy thêm, học thêm.
Dù nhiều trường ở thành phố gặp khó khăn về không gian và cơ sở vật chất, nhưng nếu người đứng đầu nhà trường có tư duy sáng tạo và linh hoạt, việc tổ chức các hoạt động văn - thể - mĩ vẫn khả thi và hiệu quả.
Bà Thu Anh thông tin đã chứng kiến nhiều ngôi trường thành công nhờ tận dụng không gian và thời gian như: Tích hợp nội dung văn - thể - mĩ vào các môn học chính khóa (ví dụ, dạy mĩ thuật gắn với bảo vệ môi trường, hay tổ chức nhảy dân vũ vào giờ ra chơi; biến hành lang thành không gian đọc sách; tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách để lan tỏa văn hóa đọc; mời phụ huynh là nghệ sĩ, huấn luyện viên cùng tham gia giảng dạy; phát triển hệ thống câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật, kỹ năng sống),...
Coi trọng chất lượng các hoạt động trải nghiệm, khi học sinh được sống thật với sở thích, được khám phá năng lực của bản thân, sẽ thích học, tự tin và hạnh phúc hơn mỗi ngày đến trường.
“Tôi đã được chứng kiến sự sáng tạo của nhiều hiệu trưởng ở mọi miền đất nước. Họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn để phát triển chương trình nhà trường. Ở những ngôi trường đó, giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức, mà còn là hành trình nuôi dưỡng học trò trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”, bà Thu Anh nói.