Hội đồng quân sự Mali đề xuất lộ trình mới về việc khôi phục quyền lực dân sự
Ngày 8/1, Hội đồng quân sự cầm quyền hiện tại ở Mali đệ trình lên Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) một đề xuất lộ trình mới về việc chuyển giao quyền lực cho lực lượng dân sự.
Hội đồng quân sự cầm quyền ở Mali đã đệ trình lên Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đề xuất, theo đó quyền lực sẽ được chuyển giao cho lực lượng dân sự trong vòng 5 năm, bắt đầu từ tháng 1/2022.
Đề xuất trên được Bộ trưởng Ngoại giao Mali, Abdoulaye Diop và phát ngôn viên của chính phủ Mali, Đại tá Abdullah Maiga trình bày trước Tổng thống Ghana, người hiện giữ chức chủ tịch ECOWAS. Tuy nhiên, đây là đề nghị khó có thể được ECOWAS chấp nhận, trong bối cảnh tổ chức này dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh bất thường vào n9/1 để xgày em xét khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Mali.
Trước cuộc họp thượng đỉnh của ECOWAS, cựu Tổng thống Nigeria - Goodluck Jonathan, đồng thời là nhà hòa giải của tổ chức này, đã tới Mali và yêu cầu chính quyền quân sự xem xét lại đề xuất về lộ trình chuyển giao quyền lực. Đáng chú ý, trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/12 vừa qua, các nhà lãnh đạo các nước Tây Phi đã kêu gọi Mali tổ chức bầu cử vào ngày được ấn định là 27/2 tới. Các nhà lãnh đạo cũng quyết định giữ nguyên các biện pháp trừng phạt, bao gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với khoảng 150 nhân vật của Mali và gia đình.
Mali, một quốc gia nghèo ở Tây Phi, đã chứng kiến tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng sau hai cuộc đảo chính quân sự vào tháng 8/2020 và tháng 5/2021. Bên cạnh đó, nước này tiếp tục đối mặt với thách thức an ninh nguy hiểm kéo dài kể từ năm 2012 với sự xuất hiện của các phong trào ly khai và các nhóm thánh chiến ở miền Bắc./.