Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt tăng lương tối thiểu vùng thêm 7,2% từ ngày 1/1/2026

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 7,2%, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2026. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Mạnh Khương, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia đánh giá, đây là mức tăng rất phù hợp với giai đoạn hiện nay trong việc phát triển kinh tế của đất nước. Còn người lao động rất phấn khởi khi nghe tin lương tối thiểu sắp được tăng thêm, bởi lương tăng nghĩa là quyền lợi của người lao động cũng sẽ được tăng lên.

Người lao động phấn khởi khi sắp được tăng lương

Chị Phạm Thị Dung, công nhân Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam (Ninh Bình) cho biết: “Người lao động rất phấn khởi khi sắp được tăng lương tối thiểu. Lương cơ bản được điều chỉnh tăng, quyền lợi của công nhân được đảm bảo tốt hơn khi hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nghỉ ốm đau… Lương cơ bản tăng, đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được điều chỉnh tăng lên, người lao động sẽ có thêm nhiều quyền lợi”.

Chị Nguyễn Thị Mến và bạn đồng hương Cao Bằng đang thuê một phòng trọ rộng khoảng 10m2 tại phường Thanh Liệt (Hà Nội) với giá 1.600.000 đồng/tháng. Chị Mến cho hay, cả 2 đang làm công nhân tại một công ty sản xuất nhựa, đóng ở khu làng nghề phường Thanh Liệt. Chị Mến chia sẻ: “Lương cơ bản của tôi hiện nay là 5.000.000 đồng/tháng, thêm tăng ca, một số khoản tiền phúc lợi…, tổng thu nhập được khoảng 8.000.000 - 8.500.000 đồng/tháng. Lương thấp, chi phí đắt đỏ nên chúng tôi sống rất tằn tiện mới có chút tiền tiết kiệm phòng thân. Tôi và bạn chưa có gia đình nên cũng đỡ áp lực, chứ nhiều gia đình trong khu trọ cùng cảnh làm công nhân nhưng có con nhỏ đi học còn vất vả hơn nhiều. Hy vọng, thời gian tới, cùng với điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên các chế độ phúc lợi như trước: Hỗ trợ tiền chuyên cần, tiền ăn,… để chúng tôi cải thiện cuộc sống”.

Người lao động được hưởng nhiều quyền lợi khi tăng lương tối thiểu

Người lao động được hưởng nhiều quyền lợi khi tăng lương tối thiểu

Tương tự, cũng khá vui mừng khi nghe tin sắp tới lương tối thiểu vùng sẽ được tăng, Nguyễn Hữu Hiệp, công nhân tại khu công nghiệp Vsip (Bắc Giang) cho hay: “Theo đề xuất thì lương tối thiểu vùng II sẽ tăng thêm 320.000 đồng/tháng. Hiện nay, hầu hết công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Vsip đều có thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu 4.730.000 đồng. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu là cơ sở để doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, vì thế, lương tối thiểu tăng đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tăng lên, chúng tôi sẽ có thêm nhiều quyền lợi”.

Doanh nghiệp sẵn sàng tăng lương cho người lao động

Ông Lê Minh Chung - Tổng Giám đốc Công ty Thiết bị gia dụng Faster, chuyên kinh doanh thiết bị gia dụng cao cấp tại phường Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, Công ty có gần 80 nhân sự, trong đó 2/3 là nhóm lao động trực tiếp, nhân viên kinh doanh, nhóm này công ty sẽ căn cứ lương tối thiểu vùng để trả lương và tính các chế độ khác. Với số nhân sự hiện nay, nếu áp dụng tăng tỉ lệ lương tối thiểu vùng thêm 7,2% như Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thông qua, mỗi tháng Công ty sẽ chi tăng thêm khoảng 80 triệu đồng. Doanh nghiệp sẵn sàng tăng lương để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với công ty lâu dài.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Ban công tác Công đoàn phụ trách khu công nghiệp Hà Nội cho rằng, lương tối thiểu vùng tăng thêm 7,2% sẽ giúp người lao động có thêm thu nhập, thêm quyền lợi và ổn định cuộc sống. “Với người lao động, lương tăng thêm là rất phấn khởi nhưng cũng mong Chính phủ có thêm các giải pháp để kiểm soát giá cả, bình ổn giá. Nếu giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu tăng cao, thì mức tăng lương 7,2% không còn nhiều ý nghĩa”, ông Thắng nói.

Theo tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, việc tăng lương không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động. Với mức tăng 7,2% là phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay của đất nước. Nó vừa đủ để động viên người lao động mà không gây áp lực lớn lên doanh nghiệp. Nếu năng suất tăng, sản lượng cao, nguy cơ lạm phát từ việc tăng giá hàng hóa sẽ được kiểm soát.

Một số người lo lắng rằng tăng lương có thể kéo theo giá cả hàng hóa leo thang. Tuy nhiên, TS. Điền cho rằng, Nhà nước đã nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo cân bằng giữa tăng lương và ổn định giá cả. Người dân không cần quá lo lắng. Chỉ sợ một số trường hợp lợi dụng việc tăng lương rồi “té nước theo mưa”, tăng giá một số mặt hàng thiết yếu.

Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) nhận định, mức tăng lương tối thiểu 7,2% lần này, người sử dụng lao động sẽ phải cân đối, nâng cao năng lực quản trị, phân công việc làm phù hợp để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Với mức lương tối thiểu vùng tăng 7,2% từ ngày 1/1/2026 sẽ là động lực cho người lao động làm việc. Tuy nhiên, hiện nay với giá cả sinh hoạt đắt đỏ thì mức lương 5.310.000 đồng tại các thành phố lớn mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người lao động.

Đức Thuận

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hoi-dong-tien-luong-quoc-gia-chot-tang-luong-toi-thieu-vung-them-72-tu-ngay-112026-167399.html