Hối hả những công trình trọng điểm

Những ngày này, trên các công trình giao thông trọng điểm ở TP HCM, công nhân đang hối hả làm việc nhằm bù lại thời gian thi công chậm hoặc tạm dừng khi giãn cách xã hội

Buổi trưa, trên công trường mở rộng, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (Tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn, TP HCM), từng tốp công nhân vẫn đang tất bật làm việc. Nhóm thì đổ bê-tông hoàn thành những bó vỉa cho đoạn đường sắp trải nhựa, nhóm khác đang lắp đặt cống thoát nước.

Hào hứng trở lại công trường

Khi chúng tôi hỏi thăm, anh Nguyễn Văn Hoàng, công nhân "ăn dầm nằm dề" với công trường này gần 2 năm nay, cười tươi cho biết anh và nhiều người rất mừng vì được trở lại làm việc, không còn lủi thủi trong căn nhà trọ nhỏ xíu từ sáng đến tối nữa.

Công nhân hối hả làm việc trên công trường mở rộng, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn, TP HCM .Ảnh:THU HỒNG

Công nhân hối hả làm việc trên công trường mở rộng, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn, TP HCM .Ảnh:THU HỒNG

"Khi giãn cách, công trình phải tạm dừng. Anh em công nhân đa số ở nhà trọ, làm ngoài công trường quen rồi, suốt ngày ở trong phòng không chịu được. Từ ngày 3-10, công trường mở lại, anh em chúng tôi ai cũng như được giải phóng sức lực, làm không biết mệt, sẵn sàng tăng ca đến khuya nếu được yêu cầu" - anh Hoàng hớn hở.

Theo anh Hoàng, những ngày này ai cũng làm việc hăng say, hào hứng. "Giờ là lúc mình bù đắp lại cho đơn vị thi công, bù đắp lại cho tấm lòng của chính quyền thành phố khi những ngày nghỉ, mình được hỗ trợ để duy trì cuộc sống" - anh Hoàng thổ lộ.

Không khí hối hả không chỉ có trên công trường mà còn hiển hiện ngay trong những nhà dân bên đường khi dự án mở rộng, nâng cấp tuyến Đặng Thúc Vịnh thi công trở lại. Phóng tầm mắt ra phía đoạn đường đang thi công từ giao lộ Đặng Thúc Vịnh - Quang Trung đến UBND xã Thới Tam Thôn, anh Nguyễn Văn Tấn nói con đường đã dần rõ hình hài, 2 bên đã lắp đặt cống thoát nước, bó vỉa, chỉ cần chờ trải nhựa là thênh thang. "Công nhân trên công trường vui một, tụi tui vui mười" - anh Tấn bày tỏ và không quên đem bình trà đá ra đãi công nhân công trường.

Cũng như anh Tấn, ông Lê Văn Tiến, thuê mặt bằng mở tiệm sửa xe trên đường Đặng Thúc Vịnh (xã Đông Thạnh), cho biết khi dự án dừng thi công vì giãn cách xã hội, ông nản vô cùng nên định trả mặt bằng. "Nay họ thi công lại rồi nên mình lại có cơ hội làm ăn" - ông mong và tin lần này dự án chạy phăng phăng về đích.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến metro số 1. Ảnh: Ý LINH

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến metro số 1. Ảnh: Ý LINH

Tại công trường xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TP HCM), không khí cũng tất bật không kém. Nhánh hầm từ hướng quận 7 sang huyện Bình Chánh có khoảng 30 công nhân thi công các hạng mục đổ bê-tông thân, tường đốt hầm. Những chiếc xe cẩu vận hành liên tục để nhổ cọc thép gia cố tại các trạm bơm. Một công nhân cho biết giãn cách lâu ai cũng nhớ công trường nên mọi người rất hào hứng khi được đi làm lại. Mọi người tuân thủ quy tắc 5K, "1 cung đường - 2 điểm đến" để mong làm việc lâu dài khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp.

Tại công trường cầu Bưng (nối quận Tân Phú và quận Bình Tân), khoảng 20 công nhân đang hàn các thanh sắt đầu cầu phía Tân Phú. Nhánh cầu bên quận Tân Phú đã hoàn thành tráng nhựa đường hơn 80%, đoạn giữa cầu bắc qua quận Bình Tân chưa hoàn thành tráng nhựa.

Bên cạnh 3 dự án này, nhiều dự án cầu, đường dân sinh quan trọng như cầu Mỹ Thủy 3 (TP Thủ Đức), cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp), lắp đặt cống thoát nước đường Trần Văn Mười (huyện Hóc Môn)…cũng hối hả thi công trở lại sau thời gian tạm dừng do dịch bệnh.

Đẩy tiến độ thi công metro số 1

Ở công trình thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), đến nay, tổng khối lượng dự án đã đạt là hơn 87,7%; dự kiến đến cuối năm 2021 đạt 91%. Hiện nay, 7/17 đoàn tàu của tuyến metro này đã được nhập về TP HCM và đang chuẩn bị cho công tác vận hành thử nghiệm.

Trước đó, đầu tháng 9-2021, MAUR đã kiến nghị lùi thời hạn hoàn thành tuyến metro số 1 đến cuối năm 2023 - chậm hơn kế hoạch 2 năm. Việc vận hành, chạy thử sẽ thực hiện vào đầu năm 2024 và sau đó là vận hành thương mại. Để hoàn thành kế hoạch này, từ đầu tháng 10-2021, khi TP HCM áp dụng Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cũng là lúc MAUR bắt tay xốc lại tiến độ thi công tuyến metro số 1.

Theo ghi nhận, suốt những ngày vừa qua, tại gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố), CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son), CP2 (đoạn trên cao và depot), CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng), nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực có thể để thi công. Theo đó, khoảng 1.120 kỹ sư, công nhân đang hối hả ngày đêm trên công trường và số lượng công nhân đang tăng dần.

Theo đại diện MAUR, gói thầu CP1a có hơn 200 công nhân đang ngày đêm tất bật thi công. Để thích ứng với tình hình mới, công trường đã không còn tiếng nói chuyện rôm rả của công nhân. Thay vào đó, mọi người đều tuân thủ giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tiếp xúc, trò chuyện và bảo đảm nguyên tắc 5K phòng chống dịch Covid-19. Sắp tới, nhà thầu sẽ tiếp tục huy động thêm nhân lực để đáp ứng tiến độ công việc. Cũng theo MAUR, đến nay, khối lượng gói thầu CP1a đã đạt hơn 93%.

Tại gói thầu CP1b, công trường đang duy trì hơn 100 công nhân làm việc. Trong đó hơn 85% số lượng công nhân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Tiến độ hiện tại của gói thầu này đạt hơn 98%. Với tiến độ này, MAUR hy vọng gói thầu số 1 sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. CP2 cũng là gói thầu đã khôi phục thi công từ đầu tháng 10 và sắp hoàn thành 100%. Cụ thể, gói thầu này đã đạt trên 93% khối lượng dự án.

Không khí làm việc hối hả trong điều kiện phòng chống dịch bệnh cũng được ghi nhận tại công trường gói thầu CP3. MAUR cho biết đến nay, gói thầu này đã đạt hơn 74% khối lượng. Nhà thầu đang duy trì hơn 340 công nhân, tất cả đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Theo đại diện MAUR, đây là tín hiệu vui bởi CP3 là gói thầu giao diện chính.

So với các gói thầu xây lắp, CP3 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nghiêm trọng hơn do công việc mua sắm, vận chuyển, kiểm tra, điều động chuyên gia nước ngoài để thực hiện thử nghiệm và vận hành thử... chủ yếu tập trung ở nước ngoài. Vì vậy, MAUR đang tập trung đẩy nhanh tiến độ gói thầu này.

(Còn tiếp)

"Metro số 1 có tổng chiều dài gần 20 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao. Dự án do MAUR làm chủ đầu tư với 5 gói thầu, trong đó 4 gói CP1a, CP1b, CP2, CP3 đang triển khai và 1 gói dự kiến thực hiện vào cuối năm 2021.

Gấp rút lựa chọn nhà thầu tư vấn cho tuyến metro số 2

Theo MAUR, để dự án tuyến metro số 2 kịp khởi công xây dựng vào năm 2023, công tác bàn giao mặt bằng đang được gấp rút thực hiện. Trong đó, MAUR đã đề xuất UBND TP HCM sớm giải quyết dứt điểm việc bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn quận 3 và di dời hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, MAUR cũng đang kiến nghị thành phố xem xét, giải quyết kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn của dự án.

Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, tổng diện tích giải phóng mặt bằng là hơn 251.000 m2 với 603 trường hợp. Đến nay, 7/10 nhà ga của tuyến đã có mặt bằng sạch, gồm: S10 - Phạm Văn Bạch, S11 - Tân Bình (quận Tân Bình), S5 - Lê Thị Riêng, S3 - Dân Chủ (quận 10), S9 - Bà Quẹo, S10 - Phạm Văn Bạch và S11 - Tân Bình (quận Tân Phú). Ngoài ra, mặt bằng đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương cũng được bàn giao. Theo kế hoạch, tuyến metro số 2 sẽ hoàn thành năm 2026.

THU HỒNG - Ý LINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/hoi-ha-nhung-cong-trinh-trong-diem-20211021202114381.htm