Hối hận vì đầu năm 'sợ dông', không đến viện
Ngay những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, nhiều bệnh viện đã tiếp nhận các bệnh nhân trở nặng, xuất hiện biến chứng chỉ bởi lý do 'sợ dông cả năm đau ốm'.
Cấp cứu vì chậm trễ khám
Bà H.Y (62 tuổi, Hà Nội) hiện đang điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi nặng. Theo con gái bệnh nhân, ngày áp Tết, bà Y mệt mỏi và ho nhưng tự ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh về uống.
![Một ca cúm trở nặng vì đến bệnh viện trễ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_30_51453069/8726254c1302fa5ca313.jpg)
Một ca cúm trở nặng vì đến bệnh viện trễ.
Đến khoảng mùng 5 Tết, tình trạng sức khỏe bà kém đi, ho nhiều hơn, gia đình muốn đưa bà đi khám nhưng bà không đồng ý vì "ngại đi viện dông cả năm". Chỉ sau đó một ngày, bà Y nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng, phải đặt ống nội khí quản, thở máy.
Tương tự là trường hợp vợ chồng chị N.H (ở Cầu Giấy, Hà Nội), xuất hiện ho khan, sốt nhẹ vào đúng ngày 30 Tết. Cũng nghĩ cảm cúm thông thường, hai vợ chồng dùng chanh ngâm mật ong, rồi thuốc cúm Nhật nhưng tình trạng ngày một nặng hơn.
Suốt mấy ngày Tết, con gửi về bà nội, hai vợ chồng chị H chỉ nằm ở nhà vì cơ thể nhức mỏi, sốt và ho nhiều. Đến mùng 5, chị H nhúc nhắc đi lại, cơ thể đỡ mệt, giảm ho nhưng chồng chị vẫn ho đờm, đau rát họng kèm sốt cao. Lúc này chị H mới báo người nhà đưa chồng đến viện.
Tại bệnh viện, chồng chị H được chẩn đoán cúm A, biến chứng chớm viêm phổi. May mắn, sau đợt điều trị tích cực bệnh nhân đã phục hồi tốt.
Bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu cho biết, bà Y và gia đình chị H là trường hợp điển hình của tâm lý trì hoãn đi viện đầu năm mới vì sợ xui xẻo, dẫn tới bệnh nặng hơn. Thậm chí, có trường hợp một nam thanh niên buộc phải cắt tinh hoàn do viêm tinh hoàn diễn biến áp xe kéo dài gần 2 tuần.
Tránh đánh mất cơ hội điều trị
Theo BS Thắng, quan niệm "đi khám đầu năm là đen đủi" mang tính chất mê tín, không có cơ sở khoa học. Chính việc trì hoãn khám và điều trị khiến bệnh có xu hướng nặng hơn, hậu quả rất nặng nề.
Nhiều bệnh nhân ngại đi khám, uống thuốc theo đơn cũ hoặc tự ý dùng thuốc, không tuân thủ phác đồ điều trị. Trong khi đó, bữa ăn ngày Tết nhiều dầu mỡ, rượu bia, nhịp sinh hoạt xáo trộn. Thêm thời tiết miền Bắc nóng lạnh thất thường kèm mưa rét có hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch.
Còn theo BS Lê Thị Hồng Thắm, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhiều trường hợp người bệnh có lịch tái khám đầu năm nhưng nhất định không đi vì... kiêng.
Thay vào đó, người bệnh điều trị tại nhà bằng cách tự đi mua thuốc, dùng mẹo dân gian hoặc thuốc không rõ nguồn gốc. Việc này dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe.
Thực tế tại Khoa Hô hấp, sau kỳ nghỉ Tết âm lịch hàng năm ghi nhận khá nhiều trường hợp người bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chuyển nặng do trì hoãn khám bệnh. Người bệnh vì thế nên tới bệnh viện khám khi có các biểu hiện bất thường, tránh đánh mất cơ hội điều trị.
Liên quan đến dịch cúm, PGS. BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết: Thời gian gần đây, trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng, hay xảy ra trên các bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch...
Ở trên người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ như là sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường thì thường tự khỏi và không phải nhập viện.
Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.