Hội họa thúc đẩy bảo vệ động vật hoang dã
Triển lãm 'Nghệ thuật hoang dã - Thiên nhiên qua mắt một họa sĩ' sẽ diễn ra từ ngày 13 - 19/7 tại Hội Mỹ thuật TPHCM.

Họa sĩ Đào Văn Hoàng trong một chuyến đi thực địa trong rừng.
Dù nổi tiếng khắp thế giới với loạt trưng bày ở nhiều quốc gia, nhưng đây là lần đầu tiên họa sĩ Đào Văn Hoàng mở triển lãm cá nhân tại Việt Nam với những bức tranh độc đáo về động vật hoang dã.
Bỏ nghề “hái ra tiền” để vẽ động vật
Triển lãm “Nghệ thuật hoang dã - Thiên nhiên qua mắt một họa sĩ” sẽ diễn ra từ ngày 13 - 19/7 tại Hội Mỹ thuật TPHCM. Triển lãm không chỉ là dịp để họa sĩ chia sẻ niềm đam mê với động vật hoang dã và công việc bảo tồn gần 30 năm qua, mà còn là dịp để công chúng khám phá vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, khơi gợi và thúc đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường sống.
Chia sẻ về triển lãm đầu tay tại Việt Nam, nghệ sĩ Đào Văn Hoàng cho biết: “Đến nay, tác phẩm của tôi chỉ được trưng bày trong những sự kiện khoa học hay hội thảo bảo tồn. Lần này, triển lãm sẽ mở cửa cho tất cả mọi người, để cùng nhau ngắm nhìn, suy nghĩ về mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên và với các loài động vật hoang dã”.
Họa sĩ Đào Văn Hoàng sinh năm 1962 tại TPHCM, khi 15 tuổi anh đã rời xa quê hương đến Pháp sinh sống. Và tại đây, tình yêu với động vật hoang dã đã thực sự gieo vào tâm trí anh qua những nét cọ khi vô tình thấy cuốn sách của Robert Bateman - một họa sĩ và nhà tự nhiên học lừng danh người Canada.
Tại Pháp, anh đã trau dồi kỹ năng vẽ rồi trải qua nhiều công việc như IT, in ấn, vẽ minh họa cho đến khi trở về Việt Nam vào năm 1996 để làm việc cho một công ty quảng cáo với tư cách là giám đốc nghệ thuật và giám đốc sáng tạo. Sau hơn 15 năm gắn bó với công việc có thể nói là “hái ra tiền”, Đào Văn Hoàng quyết định nghỉ việc vào năm 2013 để dành toàn bộ thời gian vẽ tranh về động vật hoang dã.
Họa sĩ bộc bạch rằng, anh vẽ không chỉ vì nghệ thuật, mà còn vì mục đích bảo tồn, đưa các loài động vật ít được chú ý đến gần hơn với công chúng, để mọi người có thể tìm hiểu, yêu quý và bảo vệ chúng tốt hơn. Anh mong muốn thay đổi cách con người nhìn nhận động vật, không chỉ là thịt, lông, xương, thuốc, mà là những sinh vật sống đáng được bảo vệ.
“Khi hay tin về một hội nghị của Hiệp hội Nghiên cứu Linh trưởng quốc tế diễn ra tại Hà Nội, tôi liên lạc và đề xuất đem những bức tranh về loài khỉ mà tôi vẽ đến trưng bày. Họ đồng ý và đó là cột mốc đánh dấu sự gắn bó của bản thân với hội họa thiên nhiên”, họa sĩ Đào Văn Hoàng chia sẻ.
Kể từ đó, anh đã hoàn thành nhiều hình minh họa, tranh tường theo yêu cầu và thiết kế ý tưởng cho các trung tâm, công viên quốc gia và không gian công cộng ở khắp Việt Nam, như không gian phòng trưng bày tại trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Vườn quốc gia Cát Tiên; vẽ minh họa tài liệu giáo dục môi trường của các tổ chức quốc tế; tổ chức sự kiện giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học tại Côn Đảo…

Mỗi chi tiết của động vật đều đạt độ chính xác cao về mặt giải phẫu.
Dưới tán rừng là những thế giới cần bảo vệ
Họa sĩ Đào Văn Hoàng thích các vùng nhiệt đới, và sau khi đã đến thăm hơn 25 quốc gia, anh vẫn tiếp tục đi khắp thế giới để quan sát. Để vẽ một bức tranh về động vật hoang dã, họa sĩ luôn bắt đầu bằng các chuyến đi thực tế, sau đó vẽ phác thảo, chụp ảnh và nghiên cứu các loài động vật.
Cuối cùng là quá trình lên ý tưởng, nghiên cứu thêm về giải phẫu, sinh thái và hành vi động vật, thậm chí nghệ sĩ phải tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi phác thảo bố cục để đảm bảo tính chính xác.
Các tác phẩm của Đào Văn Hoàng bao gồm các bức tranh acrylic trên bố hoặc màu nước trên giấy, với một điểm nhìn “ngang tầm”. Mỗi sinh vật đều được khắc họa với sự chính xác về mặt giải phẫu, từ độ cong của chiếc sừng, cấu trúc của bộ lông, cho đến đôi mắt của một loài linh trưởng. Anh không chỉ vẽ con vật đứng yên, mà còn nắm bắt những khoảnh khắc đặc trưng.
Thiên nhiên trong tranh không phải là một phông nền mờ ảo. Mỗi chiếc lá, cành cây, tảng đá đều được vẽ với sự am hiểu sâu sắc về hệ thực vật bản địa. Họa sĩ hiểu rằng một con vật không thể tồn tại tách biệt khỏi môi trường của nó nên việc tái hiện chính xác môi trường sống cũng là một cách để tôn vinh sự toàn vẹn và mối liên kết mong manh của hệ sinh thái.
Hàng chục năm qua, anh đã phiêu lưu xuyên suốt Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ, bám chặt với tự nhiên, ăn uống ngủ nghỉ dưới những tán rừng. Anh cho rằng, bất cứ nơi nào ở quanh đường xích đạo đều có rừng rậm, trong đó có vô vàn điều kỳ thú để xem.
Ví dụ, để vẽ một con vượn cáo, trước tiên anh phải xác định chính xác nơi ở của nó trên bản đồ, rồi sau đó đi đến nơi để nếu có cơ duyên có thể nhìn thấy nó. Nói thì nhẹ nhàng, nhưng mỗi chuyến đi là bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu.
Nhờ vậy mà người xem như hòa mình vào thế đại đồng - không có mối quan hệ của vũ lực hay sự thống trị giữa con người và động vật. Trái đất này là ngôi nhà chung, con người và động vật bình đẳng, cùng sống, cùng hít thở.


Tác phẩm của họa sĩ Đào Văn Hoàng. Ảnh: NVCC
Thế nhưng trên chính mảnh đất quê hương, họa sĩ không khỏi buồn rầu khi cùng các chuyên gia làm việc tại Công viên quốc gia Cát Tiên trong dự án bảo tồn loài tê giác Java - sau khi kết thúc dự án chỉ vài năm, con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam bị lâm tặc bắn chết.
Bảo vệ thiên nhiên hoang dã là điều rất khó, nhất là khi con người muốn biến tất cả thành đặc sản. Bởi vậy trong mỗi nét vẽ, mỗi biểu cảm của động vật, họa sĩ như muốn khơi gợi nhận thức bình đẳng giữa con người và động vật, ý nghĩa “nhân chi sơ tính bản thiện”, khơi gợi tình yêu và trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên trước vô vàn thách thức.
“12 năm trước, tôi đã rời bỏ công việc quảng cáo - con đường duy nhất mà tôi từng nghĩ có thể nuôi sống mình. Tôi đã thuyết phục vợ cho làm thử một điều liều lĩnh - họa sĩ chuyên vẽ động vật hoang dã. Tôi đã hứa nếu sau 5 năm mà thất bại, tôi sẽ vui vẻ đi làm thợ bánh mì để kiếm sống. Và đến nay, dù vẫn chưa thể sống hoàn toàn bằng nghề vẽ nhưng ít nhất, tôi chưa phải đi làm thợ bánh mì”. Họa sĩ Đào Văn Hoàng
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoi-hoa-thuc-day-bao-ve-dong-vat-hoang-da-post738943.html