Hồi hương bảo vật 'lưu lạc khắp thế gian'
Thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết, sau nhiều nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, hãng Millon đã đồng ý tạm hoãn đấu giá ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' và đồng ý để Việt Nam thương lượng mua trực tiếp. Tiếp đến sẽ là việc 'hồi hương' ấn vàng về nước.
Việc “hồi hương” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” theo Cục Di sản văn hóa là để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài. Được biết, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng, nhà Nguyễn (1820-1841).
Thực tế thì vấn đề cổ vật triều Nguyễn “lưu lạc khắp thế gian” cũng không phải quá xa lạ. Với giá trị độc bản, tinh xảo, chất liệu quý (vàng, ngọc, bạc...), những đồ ngự dụng trong cung nhà Nguyễn là cực kỳ quý hiếm.
Người ta từng biết về thanh Thái A kiếm được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Pháp ở Paris (Pháp). Trên lưỡi kiếm có khảm 3 chữ Hán "Thái A kiếm" bằng vàng, sát với đốc kiếm. Chuôi kiếm tạo hình một đầu rồng làm bằng vàng, chạm trổ rất tinh xảo. Đây chính là thanh bảo kiếm của vua Gia Long, vốn được trưng bày trong Đại nội Huế, nhưng đã bị người Pháp lấy đi sau vụ “Kinh đô thất thủ” vào tháng 7/1885.
Chung số phận, sách phong bằng vàng đời vua Gia Long cũng từng được mang ra đấu giá tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris (Pháp) ngày 16/12/2010, thuộc bộ sưu tập cá nhân của một người Pháp có tên Ralph Marty. Sách phong này do vua Gia Long cho làm vào năm 1807 để tôn phong bà Đoàn Thị (khuyết danh), chánh phi của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648). Cũng sách phong, bằng bạc mạ vàng, đời vua Thiệu Trị (1841-1847) tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên hạng Lương phi vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Sách phong này cũng từng được mang ra đấu giá tại Paris, cùng năm 2010. Điểm đặc biệt của sách phong này làm bằng bạc mạ vàng, trong khi các sách phong khác chất liệu đồng hoặc lụa.
Năm 2008, trong một cuộc đấu giá ở London (Anh), trấn phong bằng vàng đời Khải Định thuộc bộ sưu tập của hoàng thái tử Bảo Long (con trai vua Bảo Đại), cũng xuất hiện trước công chúng. Trấn phong có kích thước 20cm x 19cm, làm bằng vàng, nặng 11,9 lượng.
Cũng có thể kể thêm về pho tượng linh thú duy nhất bằng vàng của triều Nguyễn (tượng giải trãi), cao 12cm, nặng 211,7 gram, từng được đưa ra đấu giá ở Reuil-Malmaison (Pháp) năm 2011, với giá khởi điểm là 12.000 euro. Dưới bụng tượng có khắc 2 dòng chữ Hán: "Minh Mạng thập bát niên tạo" (nghĩa là làm vào năm Minh Mạng thứ 18 - năm 1837).
Như vậy là nhiều cổ vật quý triều Nguyễn hiện được các nhà sưu tập cá nhân người Việt ở nước ngoài cũng như người châu Âu sở hữu. Việc “hồi hương” những cổ vật này là không dễ dàng.
Vào khoảng tháng 7 năm 2014, dư luận xôn xao về việc 2 cổ vật của triều Nguyễn bị thất lạc sẽ trở về Việt Nam. Đó là long sàng của vua Thành Thái và xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ của vua Thành Thái). 2 đồ ngự dụng này trước đó xuất hiện trong một cuộc bán đấu giá tại Bảo tàng Guimet (Pháp). Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp được sự ủy nhiệm của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tham gia đấu giá thành công chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh; còn long sàng của vua Thành Thái thì do một người cháu họ của vua Thành Thái mua lại với mong muốn đưa về lại Huế cũng đã thành công tại cuộc bán đấu giá này.
Được biết, long sàng của vua Thành Thái cao 191 cm, dài 212 cm, rộng 140 cm, làm bằng gỗ. Các hoa văn ở các vị trí thành giường, chân giường, khung giường được chạm trổ theo mô-tip cung đình Huế, đầu thế kỷ XX. Còn chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh chiều cao 136 cm, dài 230 cm, rộng 102 cm, làm chủ yếu bằng kim loại và gỗ. Phần gỗ được thực hiện bằng kỹ thuật sơn mài, khảm xà cừ hết sức tinh tế, hoa văn thuần Việt.
Giới chuyên gia cổ vật cho rằng bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn hết sức đặc biệt ở tính độc bản. Trong lịch sử 143 năm tồn tại (1802-1945), triều Nguyễn tạo lập rất nhiều di sản quý giá, có những thứ trở thành bảo vật quốc gia. Nhưng rồi với những biến động lịch sử, chiến tranh, binh lửa; sau khi nhà Nguyễn cáo chung cách đây 77 năm thì nhiều bảo vật hoàng cung nhà Nguyễn cũng thất lạc.
Sử sách còn ghi lại, sau khi kế vị vua Hàm Nghi, vua Đồng Khánh từng nỗ lực đòi lại một số báu vật bị quân Pháp cướp mất trước đó. Triều Nguyễn phải tốn không ít sức lực và tiền bạc để lấy lại được một số ấn tín quan trọng nhất và 9 khẩu đại bác bằng đồng vốn tượng trưng cho sức mạnh triều đại (bộ Cửu vị Thần công).
Tháng 8/1945, sau khi vị hoàng đế cuối cùng thoái vị (Bảo Đại), triều Nguyễn cũng đã bàn giao số báu vật còn lại của vương triều cho Chính phủ Cách mạng lâm thời. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, những bảo vật triều Nguyễn đã được Nhà nước bảo quản chu đáo. Đến năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đã bàn giao toàn bộ số hiện vật quý giá của triều Nguyễn cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trong đó có 85 chiếc kim bảo, ngọc tỷ được chế tác dưới thời chúa Nguyễn và thời vua Nguyễn. Sau khi chỉnh lý, tháng 10/2010, một sưu tập bao gồm 17 hiện vật vàng ngọc được đem trưng bày nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hoi-huong-bao-vat-luu-lac-khap-the-gian-5701164.html