Hồi ký 'Bác Hồ viết Di chúc'

Tôi đã mua những cuốn sách này ở quầy sách Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, để về tặng cho bạn bè, đồng nghiệp. Cuốn sách dày 220 trang, nhưng in khổ 10x15cm rất nhỏ gọn, nên chúng ta có thể đọc hết chỉ trong một buổi tối, thậm chỉ bỏ túi áo để đọc trên xe bus, lúc nhấm nháp cốc cà phê...

Thế nhưng, ngày cơ quan chuyển trụ sở, tôi thấy cuốn sách mà tôi đã tặng một đồng nghiệp, nằm trong chồng sách, báo thanh lý, vẫn được bọc nguyên lớp nilon. Thiểu số thôi, chắc chắn vậy! Nhưng không sao làm tôi thoát được suy nghĩ rằng, đây là cuốn sách mà tất cả cán bộ, đảng viên... mà không, có lẽ là tất cả chúng ta nên một lần đọc: “Bác Hồ viết Di chúc” - hồi ký của Kỳ, do nhà văn Thế Kỷ ghi.

Chuyện Bác viết Di chúc thiêng liêng, gần như tất cả cán bộ, đảng viên đã nghe và vô cùng xúc động qua lời kể của GS.TS Hoàng Chí Bảo. Chúng ta cũng thấm nhuần ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn của Di chúc. Nhưng đọc “Bác Hồ viết Di chúc”, để thấu cảm thêm lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, một trí tuệ mẫn tiệp, nghị lực kiên cường, tinh thần lạc quan cách mạng và lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào sức mạnh của toàn dân tộc của Bác. Thêm cảm phục tấm gương đạo đức ngời sáng và tình đoàn kết quốc tế chân thành... của Người.

Hơn hết, để được lắng lòng, bồi hồi quay ngược thời gian về “... buổi sáng thứ hai, mùng 10 tháng 5 năm 1965 không thể nào quên... Trời cao và trong xanh. Mây trắng lửng lờ trôi trên bầu trời Ba Đình... Đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi chăm chú viết... những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau”.

Cứ thế, qua lời kể của người thư ký riêng - người “Tiểu đồng” trong gần một phần tư thế kỷ mà Bác rất mực yêu mến, chúng ta sẽ được theo bước chân Người trong những ngày tháng 5 lịch sử - thời khắc viết “những lời dặn lại”. Bác thường chỉ viết Di chúc trong vòng 1 giờ - từ 9 đến 10 giờ sáng, sau đó “lại ung dung, thanh thản trở lại công việc hàng ngày”. “Việc riêng” của Bác, vì thế hòa vào “việc chung” - được kể lại một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ, từ việc Bác viết thư cho các cháu thiếu nhi, tiếp đoàn đại biểu Italia, nghe báo cáo tình hình chiến trận, thăm đồng bào,...

Chúng ta sẽ biết từng phần, từng mục tiếp theo trong Di chúc được Bác viết vào thời điểm nào. Đó là những dòng về Đảng, về đoàn kết cách mạng, cũng trong khung giờ thiêng ấy, của ngày 11 tháng 5 năm 1965. Ngày 12 tháng 5, Bác viết về thanh niên; về quyết tâm chống Mỹ cứu nước; về kế hoạch xây dựng đất nước mai sau. Ngày 13 tháng 5, Bác dặn lại những lời tâm huyết “Về phong trào cộng sản thế giới”. Ngày 14 tháng 5, Bác bận cả ngày nên không viết tiếp được những “lời dặn lại” như đã định; nhưng không ai biết được rằng, những lời Bác nói với bà con trên cánh đồng xã Xuân Phượng, huyện Từ Liêm hôm ấy, chính là điều mà ngày hôm qua Người viết trong Di chúc. Ngày 15 tháng 5 năm ấy, Bác đi công tác Trung Quốc, chiếc cặp chứa tài liệu bí mật được người trao lại cho đồng chí Vũ Kỳ trên nhà sàn, cùng lời dặn dò: “Chú cất giữ cho cẩn thận, sang năm, mùng 10 tháng 5 nhớ đưa lại cho Bác”.

Sẽ khó ngăn lại cảm xúc nghẹn ngào dồn lên và những dòng nước mắt trực trào, khi đọc những dòng tự sự của đồng chí Vũ Kỳ lúc ngắm mái đầu bạc phơ của Bác lồng lộng dưới bầu trời Trường Sa: “Thế mà trong đêm 14 tháng 5 năm 1965, ngồi một mình trong phòng vắng đọc đi đọc lại bản Di chúc, mỗi lần đọc đến câu: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu...", là tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi muốn chạy ngay sang nhà anh Phạm Văn Đồng, chỉ cách chỗ tôi làm việc một khoảng sân. Tôi muốn chạy ngay đến từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mà kêu to lên rằng: Các đồng chí ơi! Bác chuẩn bị vĩnh biệt chúng ta rồi. Các đồng chí hãy làm mọi cách để giữ Bác lại”.

Từ năm 1966 đến 1969, Bác dành thời gian để chỉnh sửa và viết thêm nhiều điều cốt yếu vào Di chúc, từ việc chăm lo đời sống của Nhân dân sau chiến tranh, đến những căn dặn dành cho các đồng chí lãnh đạo các cấp. “Những dòng chữ chồng chéo lên nhau, gạch xóa, vòng xuống, vòng lên, mực xanh lẫn mực đỏ”. Lần cuối cùng sửa Di chúc chậm hơn so với thường lệ, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu vào mặt sau tờ “Tin tham khảo đặc biệt” số ra ngày 3 tháng 5 năm 1969. Ngày 19 tháng 5 năm 1969 - ngày sinh nhật tuổi 79, Bác sửa những dòng cuối cùng trong Di chúc: “Bác xem lại toàn bộ các bản viết của Người trong 4 năm qua, nhưng chỉ sửa thêm ba chỗ ở phần mở đầu”.

Những chữ “thật” chiếm vị trí quan trọng thế nào trong phần Bác viết về Đảng, về đoàn kết, về đạo đức cách mạng? Vì sao Bác viết “nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt” ở phần mở đầu? Từ “anh hùng” mà Bác thêm vào trong câu chúc mừng đồng bào, chiến sĩ khiến hành văn khoáng đạt thế nào? vai trò của “Nhân dân” phải được nhận thức đúng đắn ra sao?... Tất cả đều được đề cập đến một cách cô đọng, súc tích trong cuốn sách. Đan xen trong những dòng ký ghi lại việc Bác viết Di chúc, là những mẩu chuyện về đạo đức, phong cách của Người. Đó còn là tình cảm đặc biệt của đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế dành cho Người trong những ngày tháng 5 rực rỡ, để ta thêm yêu kính Bác - “người con trung thành của Nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Đọc để cảm nhận vì sao Di chúc “chính là dòng nước mát lành, sẽ mãi góp phần làm cho non sông, đất nước ta trở thành mùa xuân bất tận”.

Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/hoi-ky-bac-ho-viet-di-chuc/26328.htm