Hội nghị COP27: Đảm bảo quyền của cộng đồng trong hoạt động khai thác khoáng sản
Mục tiêu quan trọng tại Hội nghị COP 27 lần này được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, dự kiến từ ngày 6 -18/11/2022, các quốc gia tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện các cam kết ứng phó với khủng hoảng khí hậu.
Trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với Trái Đất; đồng thời tái khẳng định nhân loại cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ và có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Vừa qua, hơn 230 tổ chức xã hội từ 62 quốc gia đã gửi một bản tuyên bố đến các nhà lãnh đạo trên thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP 27) tại Ai Cập ngày 1/11/2022, kêu gọi tôn trọng quyền con người trong bối cảnh thế giới đang ráo riết khai thác khoáng sản phục vụ việc chuyển đổi sang các công nghệ năng lượng sạch.
Các tổ chức ký bản Tuyên bố hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ môi trường, quyền con người, chống tham nhũng, và rất nhiều tổ chức đại diện cho các nhóm yếu thế như các cộng đồng bản địa, phụ nữ và giới trẻ.
Theo ông Jean-Claude Katende, điều phối viên quốc gia của Tổ chức Publish What You Pay tại Congo, một tổ chức ký tên vào bản tuyên bố, chia sẻ: “Thế giới phải khẩn cấp phi các-bon hóa. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản như coban, liti, niken và đồng phục vụ việc phát triển các công nghệ năng lượng sạch hơn không được làm tổn hại hành tinh thêm nữa hoặc xâm phạm quyền của những người dễ bị tổn thương nhất”.
Chính vì thế, các nhóm kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu tại COP27 khởi xướng một sự thay đổi thực sự trong khai thác và sử dụng khoáng sản, đồng thời xem xét các giải pháp giúp giảm phụ thuộc vào khai khoáng. Trong đó, cần đảm bảo rằng các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác mỏ được tham vấn và tham gia vào bất kỳ quyết định nào ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ngoài ra, hoạt động khai thác khoáng sản chỉ được diễn ra theo quy định quốc tế nghiêm ngặt nhất về quyền con người và các tiêu chuẩn môi trường.
Mức khai thác các khoáng sản theo ước tính như coban, lithi, niken và đồng sẽ phải tăng tới sáu lần để đáp ứng nhu cầu sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng năng lượng sạch như điện gió và mặt trời. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy phụ nữ, trẻ em và các cộng đồng bản địa là những người bị tác động nhất bởi hoạt động khai thác mỏ và không có tiếng nói trong quá trình ra quyết định. Ngành này cũng gây tổn hại đến môi trường và góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu.
Đồng thời bản tuyên bố cũng nhấn mạnh, sự cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu cao và lợi nhuận trong cơn sốt khoáng sản sẽ làm tăng áp lực lên các nước sản xuất trong việc cấp phép thần tốc và khai mỏ ở những khu vực nhạy cảm và rủi ro cao. Điều đó khiến ngành khai khoáng dễ xảy ra tham nhũng, làm trầm trọng hơn tình trạng lạm dụng quyền con người và môi trường. Trong đó, các cộng đồng bản địa sống gần nơi khai thác bị ảnh hưởng hơn cả.
Theo ông Aboulmagd, Đại diện cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập cho biết, các nguyên thủ quốc gia sẽ giải quyết các vấn đề, bao gồm việc chuyển đổi năng lượng và an ninh lương thực. Các chủ đề được thảo luận tại các hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo, diễn ra vào ngày 7-8/11, sẽ bao gồm việc phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạ và các cộng đồng dễ bị tổn thương. Các chủ đề phản ánh một số ưu tiên của Ai Cập khi nước này cố gắng đảm bảo nguồn tài chính của các nước đang phát triển để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.