Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tập trung nhiều vấn đề cùng quan tâm
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (AMM Retreat) diễn ra từ ngày 28 - 29/1 tại thành phố Luang Prabang, Lào. Trong đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhóm họp lần đầu tiên trong năm nay, khởi động các cuộc thảo luận về những ưu tiên trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào, với chủ đề 'ASEAN: Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi', đồng thời vạch ra kế hoạch hoạt động của ASEAN trong thời gian còn lại của năm.
Ngoài ra, AMM Retreat cũng thảo luận về các bước tiếp theo từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, sự kiện đã được tổ chức tại Jakarta (Indonesia) hồi tháng 9 năm ngoái, và những tiến bộ đã đạt được trong việc phát triển Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2045, cũng như trao đổi quan điểm về quan hệ đối ngoại của ASEAN, bên cạnh các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hội nghị tại Luang Prabang do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào, ông Saleumxay Kommasith chủ trì. Được biết, Lào đã đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên từ Indonesia hồi năm ngoái.
Theo Thông tấn xã Lào (KPL), Hội nghị cũng thảo luận về đơn xin gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) từ các quốc gia bên ngoài khu vực. Hội nghị nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, đồng thời tăng cường hợp tác với toàn thế giới.
Trong sự kiện lần này, Lào cũng sẽ xem xét tiến độ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt để kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác ASEAN - Australia, dự kiến diễn ra tại Melbourne, Australia vào tháng 3 tới đây.
Bộ Ngoại giao Lào cho biết, ASEAN cũng như các khu vực khác trên thế giới tiếp tục đối mặt với vô số thách thức, trong đó có khó khăn kinh tế và tài chính kéo dài. Mặc dù khu vực đã chứng kiến sự phục hồi sau những biến động đa chiều, nhưng sự phục hồi vẫn còn mong manh đối với toàn khu vực. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Lào chỉ ra, biến đổi khí hậu, thiên tai và các vấn đề an ninh vẫn là những thách thức cấp bách đối với mọi người.
Trong bối cảnh đó, tăng cường kết nối và khả năng phục hồi là vô cùng quan trọng để đảm bảo ASEAN duy trì nỗ lực đoàn kết và tập thể, nhằm củng cố Cộng đồng ASEAN để nắm bắt các cơ hội và giải quyết một cách hiệu quả những thách thức hiện tại và mới nổi.
Theo Tạp chí Nikkei Asia, bên cạnh vấn đề Myanmar, Chính phủ Lào dự kiến sẽ thúc đẩy tham vọng trở thành quốc gia kết nối các quốc gia thành viên ASEAN với thế giới thông qua cơ sở hạ tầng đường sắt.
“Lào đang thể hiện là cầu nối liên ASEAN thông qua cơ sở hạ tầng đường sắt có thể giúp tất cả các thành viên ASEAN kết nối với nhau, cũng như giúp kết nối các thành viên ASEAN với thế giới”, Nikkei Asia dẫn lời một quan chức tại cơ quan chính phủ nước này cho biết; đồng thời nói thêm, Lào sẽ nhân hội nghị này để nêu bật vai trò là cầu nối quan trọng của Đông Nam Á với thế giới.