Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc: 'Cánh cổng địa ngục' và 'lòng tham trắng trợn'
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đưa ra lời cảnh báo tại hội nghị về khí hậu tại LHQ rằng: 'Nhân loại đã mở cánh cổng dẫn đến địa ngục', đồng thời nói về 'lòng tham trắng trợn' của những nước giàu đối với nhiên liệu hóa thạch.
Cảnh báo đỏ về khủng hoảng khí hậu
“Sức nóng khủng khiếp đang gây ra những ảnh hưởng khủng khiếp. Người nông dân đau khổ nhìn mùa màng bị lũ cuốn trôi. Nhiệt độ ngột ngạt sinh ra bệnh tật”, ông Guterres nói trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về Tham vọng Khí hậu, diễn ra cùng với Khóa họp cấp cao thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York.
Ông nói thêm: “Hành động vì khí hậu đang bị suy giảm so với quy mô gia tăng của thách thức”, đồng thời cảnh báo rằng nếu không có gì thay đổi, chúng ta đang “hướng tới một thế giới nguy hiểm và bất ổn”.
Hội nghị kéo dài một ngày - diễn ra khi thế giới đang vật lộn với lũ lụt và hỏa hoạn tàn khốc - nhằm tạo động lực toàn cầu hướng tới việc giảm ô nhiễm làm nóng hành tinh trước Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc tại Dubai vào tháng 12.
Trong số gần 200 quốc gia có mặt tại New York tham dự phiên họp cấp cao cảu Đại hội đồng LHQ lần này, chỉ có 34 quốc gia và 7 tổ chức phi chính phủ có được suất phát biểu tại hội nghị bất thường về khí hậu nói trên của người đứng đầu Liên hợp quốc.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài một ngày này, ông Guterres cho biết: “Việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang diễn ra - nhưng chúng ta đã chậm hơn nhiều thập kỷ… Chúng ta phải bù đắp thời gian đã mất do sự chần chừ, khất lần và lòng tham trần trụi của những nhóm lợi ích cố hữu kiếm được hàng tỷ USD từ nhiên liệu hóa thạch”.
Ông Guterres đã mời 34 quốc gia phát biểu hôm thứ Tư để ghi nhận hành động mạnh mẽ của họ đối với biến đổi khí hậu, bao gồm Brazil, Canada, Pakistan, Nam Phi và Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu về vấn đề này.
Những nước không được mời phát biểu bao gồm hai quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới - Mỹ và Trung Quốc - mặc dù Đặc phái viên Mỹ về Biến đổi Khí hậu John Kerry cũng có mặt trong số khán giả tham dự.
Quyết tâm theo đuổi mục tiêu khí hậu
Sự vắng mặt của cả Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia phát thải lớn khác khiến một số nhà vận động về khí hậu lo ngại rằng đây là dấu hiệu của tiến độ chậm chạp trước COP28.
Manuel Pulgar-Vidal, người đứng đầu chiến dịch năng lượng và khí hậu toàn cầu của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới, cho biết: “Trong khoảng hai tháng nữa cho đến COP28, chúng ta phải thấy sự thay đổi đáng kể trong ý chí chính trị”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Sự nổi giận của thiên nhiên với các sự cố, như sụt lún, sạt lở và hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng chính là lời cảnh báo, kêu gọi chúng ta cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất.
Tổng thống Kenya William Ruto kêu gọi các nước tạo ra một loại thuế phổ quát đối với buôn bán nhiên liệu hóa thạch, đánh vào khí thải hàng không và hàng hải cũng như các giao dịch tài chính để thu về hàng nghìn tỷ đô la. Ông nói: “Cả châu Phi và thế giới đang phát triển đều không cần đến tổ chức từ thiện” từ các nước phát triển.
Thống đốc California, Gavin Newsom, đã phát biểu về sự lãnh đạo của bang ông đối với các chính sách khí hậu, bao gồm cả lệnh cấm bán các phương tiện chạy bằng khí đốt mới vào năm 2035. Ông cũng chỉ trích ngành công nghiệp dầu mỏ cản trở hành động vì khí hậu.
“Cuộc khủng hoảng khí hậu này là một cuộc khủng hoảng nhiên liệu hóa thạch”, ông nói. "Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp dầu mỏ đã coi mỗi người trong chúng ta trong căn phòng này là những kẻ ngu ngốc. Họ đã mua chuộc các chính trị gia."
Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva tuyên bố Brazil sẽ nâng mục tiêu giảm phát thải 50-53% so với mức năm 2005 vào năm 2030, phản ánh sự thay đổi của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva so với người tiền nhiệm Jair Bolsonaro.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết nước ông đã nâng mục tiêu giảm phát thải từ 20% lên 40% so với dự báo thông thường vào năm 2030, đồng thời thành lập Bộ về biến đổi khí hậu.
Chủ tịch COP28 của UAE, Sultan Ahmed al-Jaber, đã phát biểu khi kết thúc hội nghị với một thông điệp lạc quan rằng thế giới không “bất lực” trong việc cố gắng đi đúng hướng để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Kêu gọi hỗ trợ tài chính khí hậu
Còn 70 ngày trước khi COP28 bắt đầu, Thủ tướng Barbados Mia Mottley, người đã kêu gọi xóa nợ cho các nước thu nhập thấp, cho biết: “Tôi hy vọng rằng, giống như cách chúng ta có thể coi trọng Ukraine trong Hội đồng Bảo an, chúng ta có thể xem xét nghiêm túc cuộc khủng hoảng khí hậu và nguồn tài chính cho nó”.
Bà nói thêm, biến đổi khí hậu "là một mối đe dọa lớn - trên thực tế là một mối đe dọa lớn hơn bởi vì nhiều sinh mạng đang bị đe dọa trên toàn cầu hơn là ở Ukraine".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các nước cần đạt được mục tiêu chưa đạt được từ lâu là huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho tài chính khí hậu. Bà nói: “Đó là vấn đề về lòng tin”, đồng thời cho biết thêm EU sẽ gửi 27 tỷ USD như đã gửi vào năm ngoái.
Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal, đại diện cho khối các nước kém phát triển nhất, kêu gọi tăng gấp đôi nguồn tài chính để thích ứng với một thế giới bị biến đổi khí hậu, vì năm nay đang trên đà trở thành năm nóng kỷ lục.
Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, kêu gọi các nước chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, lưu ý rằng họ đã tăng lên mức kỷ lục 7 nghìn tỷ USD vào năm ngoái bất chấp cam kết toàn cầu vào năm 2021 sẽ loại bỏ chúng.
Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc nhằm giải ngân tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển cũng công bố mục tiêu huy động vốn ít nhất 50 tỷ USD vào năm 2030. CEO Mafalda Duarte cho biết, quỹ này cũng sẽ chuyển trọng tâm từ hỗ trợ các dự án một lần sang chuyển đổi toàn bộ hệ thống.
Hoàng Hải (theo LHQ, Reuters, AFP)