Hội nghị lần thứ 15 - Ủy ban Công tác liên hợp giữa 4 tỉnh biên giới (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)
BHG - Thực hiện cơ chế luân phiên, chiều 28.2, tại thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây phối hợp với tỉnh Hà Giang chủ trì tổ chức Hội nghị lần thứ 15 - Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Dự hội nghị có các đồng chí: Liêu Phẩm Hổ, Phó Chủ tịch Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Chủ tịch Ủy ban Công tác liên hợp phía Quảng Tây, Trung Quốc; Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Công tác liên hợp tỉnh Quảng Ninh; Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Công tác liên hợp tỉnh Lạng Sơn; Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Công tác liên hợp tỉnh Cao Bằng; Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Về phía tỉnh ta có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Công tác liên hợp tỉnh Hà Giang; lãnh đạo các sở, ban, ngành...
Theo đánh giá, từ hội nghị lần thứ 14 - Ủy ban Công tác liên hợp đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo của cơ chế Hội đàm đầu Xuân giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và sự nỗ lực tích cực của các cơ quan chuyên môn các tỉnh/khu trong Ủy ban Công tác liên hợp, việc triển khai thực hiện các thỏa thuận tại Hội nghị lần thứ 14 đã đạt được những kết quả nổi bật như: Giao lưu hữu nghị, hợp tác quản lý biên giới được tăng cường; hợp tác phòng, chống dịch bệnh qua biên giới được triển khai hiệu quả; các bên đã đẩy mạnh xây dựng kết nối giao thông, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp...
Đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác thương mại – đầu tư, từ năm 2016, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc, từ năm 2020 là đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai nước năm 2023 đạt trên 171 tỷ USD. Trong đó, tỉnh Quảng Tây và 4 tỉnh biên giới Việt Nam đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng thúc đẩy giao thương, tiện lợi hóa thông quan, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam; làm tốt công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, điều tiết phân luồng giao thông, đảm bảo cho hoạt động xuất, nhập khẩu được thông suốt không bị gián đoạn. Kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai bên (các tỉnh/khu) năm 2023 đạt trên 9 tỷ 381 triệu USD, đã đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc...
Bên cạnh những thành quả hợp tác đã đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế như: Việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu, lối mở tiến độ còn chậm; Hợp tác quản lý lao động qua biên giới chưa được quan tâm triển khai trong khi nhu cầu thực tế của các bên là rất lớn; Một số quy định về hàng hóa qua biên giới của hai bên có sự khác nhau, thời gian giải quyết thủ tục xuất, nhập cảnh của phía Trung Quốc tốn nhiều thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; hợp tác lĩnh vực nông nghiệp chưa hiệu quả; vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Một số công trình biên giới chưa được triển khai đúng quy trình quy định...
Nhằm phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế hợp tác giữa các tỉnh/khu, từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa bốn tỉnh biên giới Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc ngày càng phát triển và đi vào thực chất, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Công tác liên hợp tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long thay mặt 4 tỉnh biên giới Việt Nam đề xuất với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) một số nội dung hợp tác giữa các tỉnh/khu trong năm 2024 và thời gian tiếp theo gồm: Các bên tập trung quán triệt thực hiện Biên bản Hội nghị giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), tăng cường hoạt động trao đổi đoàn các cấp, phát huy hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác hiện có giữa các cấp, các ngành hai bên, thúc đẩy giao lưu giữa các tổ chức đoàn thể, giao lưu nhân dân, giao lưu thanh niên, nâng cao hiểu biết và gắn kết tình cảm giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ; mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên kết nối hợp tác; tham mưu, đề xuất Chính phủ hai nước sớm ký kết “Thỏa thuận khung xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc”; tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông nối các cửa khẩu đến các khu kinh tế, cảng biển tạo động lực phát triển kinh tế biên giới; mở mới, nâng cấp các cửa khẩu, lối mở/cặp chợ biên giới; khôi phục lại hoạt động giao thương tại các cặp chợ biên giới truyền thống, các lối mở đã được ký kết tại Hiệp định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Chỉ đạo các cơ quan quản lý du lịch thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch; tích cực tìm kiếm các mô hình mới về du lịch qua biên giới; phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, khai thác các mô hình và sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện của mỗi bên; rà soát, đánh giá các nội dung đã ký kết về hợp tác lĩnh vực nông nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và mở rộng các chương trình hợp tác mới trong những năm tiếp theo... Tăng cường hợp tác quản lý, giữ gìn an ninh biên giới trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các quy định 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc... Chỉ đạo các ngành liên quan tập trung triển khai hiệu quả, thực chất thỏa thuận lao động qua biên giới trong năm 2024, nhằm tạo động lực, tháo gỡ khó khăn về nguồn lao động cho doanh nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm cho cư dân biên giới, cùng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại khu vực biên giới hai bên; tiếp tục triển khai giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, phòng chống dịch bệnh qua biên giới, báo chí – tuyên truyền, tài chính – tiền tệ, khoa học – công nghệ, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường.... trên cơ sở thành quả hợp tác đã đạt được, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của các bên.
Ngoài những đề xuất chung, về phía tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long cho biết: Hiện nay tỉnh Hà Giang đã hoàn thành thủ tục nội bộ về việc mở lối mở/chợ biên giới Lũng Làn (Việt Nam) - Lộng Bình (Trung Quốc) tại khu vực mốc 504 biên giới Việt – Trung theo Thỏa thuận đã ký giữa hai bên. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị hai bên cùng thúc đẩy đưa cặp lối mở/chợ biên giới này vào vận hành chính thức...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Công tác liên hợp các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đều nhất trí với ý kiến phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Công tác liên hợp tỉnh Hà Giang và cho rằng hoạt động của cơ chế Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp đã thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các tỉnh/khu phát triển theo “Phương châm 16 chữ và Tinh thần 4 tốt” về quan hệ hai nước mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đã xác định.