Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn, khởi đầu và hàm ý đằng sau thể chế hợp tác ba bên mới
Sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn lần đầu tiên không đơn thuần mang ý nghĩa thời gian mà quan trọng hơn là khởi đầu 'kỷ nguyên hợp tác mới', nâng quan hệ đối tác ba nước lên một tầm cao mới.
Đầu tiên và khởi đầu
Ngày 18/8, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại trại David, ngoại ô thủ đô Washington D.C. Đây là địa điểm từng chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo nổi tiếng, vào những thời điểm đặc biệt, liên quan đến lịch sử thế giới. Lựa chọn Trại David, Tổng thống Mỹ muốn lấy phước, mở trang đầu tiên cho quan hệ chiến lược “tay ba” Mỹ-Nhật-Hàn.
Nhật Bản và Hàn Quốc mâu thuẫn dai dẳng từ vụ “cưỡng bức tình dục” trong Thế chiến II. Hai năm qua, Mỹ nỗ lực thực hiện nhiều chuyến ngoại giao con thoi và gặp gỡ bên lề các hội nghị, bắc cầu cho Nhật–Hàn vượt hố sâu ngăn cách. Tháng 3/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau 12 năm. Sự kiện này tạo tiền đề để Tokyo và Seoul, cùng Washington tham dự, ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược ba bên.
Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh có nhiều nội dung quan trọng. Lần đầu tiên ba nước sử dụng ngôn từ mạnh mẽ, tại một cuộc họp cấp cao, chỉ trích thách thức ngày càng tăng về an ninh, kinh tế của Trung Quốc và những “hành vi nguy hiểm” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trung Quốc, Triều Tiên là nhân tố chính nhất thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc vượt qua trở ngại lịch sử, tăng cường hợp tác để đủ sức đối phó với thách thức chung.
Bản chất tranh cãi
Dư luận nhìn nhận khác nhau về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn. Trước những luồng ý kiến trái chiều, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ra sức biện minh. Họ tuyên bố hợp tác ba bên không nhằm vào Trung Quốc và không phải là xây dựng NATO ở châu Á-Thái Bình Dương. “Án tại hồ sơ”. Phải xem tuyên bố chung của hội nghị nói gì?
Tuyên bố chung khẳng định ba nước thiết lập cơ sở thể chế vững chắc đối với quan hệ đối tác, cam kết hợp tác toàn diện về an ninh, kinh tế và ngoại giao, nhằm đối phó với thách thức an ninh, kinh tế của Trung Quốc và chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí lập kênh liên lạc cấp cao, cảnh báo, chia sẻ tin tức, dữ liệu; phối hợp hệ thống cảnh báo tên lửa; tập trận chung về phòng thủ tên lửa và tác chiến chống tàu ngầm… Hoàn thiện chuỗi cung ứng, nhất là bán dẫn, bảo vệ công nghệ, ngăn chặn xuất khẩu trái phép, đánh cắp công nghệ tiên tiến… Quyết định duy trì hội nghị thượng đỉnh thường niên và hội nghị các cấp khác, thường xuyên tham vấn, đưa ra phản ứng chung đối phó với các mối đe dọa.
Các nhà lãnh đạo đánh giá hợp tác ba bên là “xương sống của liên minh” cùng với Bộ tứ (Quad), “liên minh tàu ngầm” AUKUS, là hạt nhân, mỏ neo của mạng lưới đồng minh, đối tác do Mỹ đứng đầu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về hình thức, cơ chế hợp tác chiến lược Mỹ-Nhật-Hàn mới ở mức thỏa thuận, chưa phải là một hiệp ước liên minh quân sự như NATO với quy định về nguyên tắc phòng thủ chung.
Một số nhà quan sát gọi hội nghị thượng đỉnh này là động thái tạo ra “NATO thu nhỏ”, “NATO ở châu Á”, nhằm biến châu Á-Thái Bình Dương thành “sân chơi cạnh tranh địa chính trị”.
Ông Lu Chao, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Đông Á và Mỹ tại Đại học Liaoning ở Đông Bắc Trung Quốc cho rằng, cơ chế họp thường xuyên của các nguyên thủ và cơ chế hợp tác cố định trên lĩnh vực quân sự chẳng khác gì tạo ra trên thực tế một liên minh quân sự ba bên.
Chính Giáo sư Victor, Đại học Georgia, từng là trợ lý về Á Đông của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng nhìn nhận, bản chất quan hệ hợp tác mà Mỹ, Nhật Bản và Hàn quốc hướng đến “tương đương liên minh quân sự ba bên mới”.
Một số học giả, chuyên gia chính trị, quân sự quốc tế cho rằng hình thức hợp tác Mỹ-Nhật-Hàn chưa tới mức, chưa đủ khả năng kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc. Nhưng nó tạo tiền đề để phát triển thành một liên minh quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương.
Nhận thức, quan điểm khác nhau là điều dễ hiểu, nhưng sẽ đặt ra những vấn đề khác nhau.
Những vấn đề đặt ra
Thứ nhất, thể chế quan hệ hợp tác ba bên mới có bền vững, lâu dài?
Mỹ và hai đồng minh tin tưởng thể chế hợp tác chiến lược ba bên mới sẽ bền vững trước thử thách thời gian, phát triển lâu dài, nhiều thập kỷ. Cơ sở của lòng tin là các mối đe dọa, thách thức chung và lợi ích, sức mạnh nhân lên từ nâng tầm quan hệ hợp tác.
Nhưng nếu Nhật Bản hoặc Hàn Quốc thay đổi đảng cầm quyền, điều chỉnh chính sách đối ngoại, có thể nảy sinh các vấn đề phức tạp trong quan hệ song phương. Phong trào người dân phản đối Mỹ đặt căn cứ quân sự ở Nhật Bản, Hàn Quốc có thể bùng phát. Các yếu tố bên ngoài và đối thủ cũng tác động mạnh đến quan hệ hợp tác giữa các thành viên bộ ba.
Thứ hai, gia tăng “cọ xát”, “va chạm” giữa Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng Hội nghị thượng đỉnh và các sáng kiến đa phương giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc làm gia tăng đối đầu, gây nguy hiểm cho an ninh chiến lược của các quốc gia khác. Trung Quốc có các “con bài” về kinh tế, thương mại, đất hiếm, thị trường... để đáp trả. Không loại trừ việc Bắc Kinh sẽ tiếp tục củng cố quan hệ, hợp tác với Moscow và Bình Nhưỡng, tạo đối trọng với bộ ba.
Mâu thuẫn, đối đầu thúc đẩy các đối thủ liên minh, liên kết với nhau. Nhưng bên này tăng cường liên minh thì bên kia càng quyết đối đầu, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Nếu các bên không kiềm chế, kiểm soát tốt mâu thuẫn, bất đồng, sẽ làm tăng căng thẳng, đối đầu; ảnh hưởng đến an ninh, ổn định, hợp tác phát triển của khu vực.
Thứ ba, các nước lớn cũng phải điều chỉnh chính sách, quan hệ.
Các liên minh, liên kết sẽ tăng cường hợp tác, kết nối, thu hút đối tác, mở rộng mạng lưới của mình, nhất là với các quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng, có mâu thuẫn với đối thủ, có quan điểm trung lập; giành ưu thế trong cạnh tranh tại các khu vực, địa bàn chiến lược.
Họ tận dụng công cụ kinh tế, thương mại, công nghệ, kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm” để gây sức ép, chi phối, lôi kéo các nước khác ngả về mình. Nhưng nếu không kiềm chế các hành động cứng rắn trong giải quyết tranh chấp chủ quyền, lợi ích quốc gia, dễ đẩy các nước khác vào gần đối thủ hơn.
Thứ tư, đặt các nước khác trước những tình huống phức tạp, nhạy cảm.
Trong xu thế đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, việc một quốc gia thiết lập quan hệ, hợp tác với nhiều nước lớn, đối tác chiến lược khác nhau là chuyện bình thường. Có những mối quan hệ, hợp tác quan trọng nhưng cũng phức tạp, nhạy cảm. Nếu không cảnh giác, bản lĩnh, độc lập, tự chủ, dễ bị lôi kéo vào vòng xoáy cạnh tranh, đối đầu giữa các nước lớn, các liên minh.
Mở rộng quan hệ đối tác, hợp tác không đồng nhất với tham gia liên minh quân sự, đi với nước này chống lại nước kia. Cần giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ và phương châm chỉ đạo không để/ không vì quan hệ với đối tác này cản trở quan hệ với đối tác khác; nhất quán giữa chính sách, tuyên bố và hành động.
Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế, thể chế đa phương phù hợp và lựa chọn hình thức, nội dung hợp tác song phương đúng nguyên tắc, hài hòa quan hệ với các nước lớn sẽ nâng cao vị thế đất nước, tận dụng được cơ hội, hạn chế tác động bất lợi. Cần công khai, minh bạch các quan hệ, thông tin đầy đủ và đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, chia rẽ, kích động.