Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương bàn về giải pháp tăng trưởng kinh tế năm 2025
Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% trong năm 2025, tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế 2 con số trong giai đoạn tới.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Cùng chủ trì và tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Tại điểm cầu Lạng Sơn, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị.
Theo báo cáo đề dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần tăng trưởng bứt phá để về đích kế hoạch 5 năm 2021- 2025, tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn tới.
Từ thực tiễn yêu cầu phát triển đặt ra, Chính phủ đã chủ động phấn đấu và trình Trung ương Đảng, Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% năm trở lên. Theo đó, Bộ kế hoạch và Đầu tư đề xuất 8 động lực tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương trong năm 2025, trong đó có những động lực chính gồm: phát huy những thành tựu của đất nước sau 40 năm đổi mới; áp dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm đã được Trung ương, Chính phủ tổng kết, rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, nhất là trong năm 2024. Tiếp đó, các bộ, ngành, địa phương đổi mới tư duy, thực hiện cách làm mới, thể chế mới; đẩy nhanh hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.Bên cạnh đó, các địa phương khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, không gian, động lực phát triển mới từ các dự án hạ tầng chiến lược, các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng; chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…
Cùng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng như: tập trung cải cách hành chính; xóa bỏ định kiến về doanh nghiệp, dân doanh, khẩn trương xây dựng nghị quyết về đột phá phát triển kinh tế tư nhân; điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng; tận dụng dư địa bội chi ngân sách nhà nước bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển…
Về báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công cho thấy, kết quả thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến hết ngày 31/1/2025 toàn quốc là 635,6 nghìn tỷ đồng, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Về triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết 741,1 nghìn tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, số vốn chưa phân bổ chi tiết là 84,8 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
Đối với tỉnh Lạng Sơn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giao cho tỉnh tại Nghị quyết 25/NQ-CP bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên trong năm 2025.
Theo đó, UBND tỉnh đã đề xuất các nhóm nhiệm vụ giải pháp và kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành một số nội dung để tỉnh đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 gồm: Chính phủ sớm thông báo tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 cho các địa phương có cơ sở triển khai các dự án; sớm xem xét hoàn thành thủ tục điều chỉnh đề xuất dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, tỉnh Lạng Sơn" sử dụng vốn vay Nhật Bản; đề nghị Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với tuyến cao tốc Lạng Sơn - Thái Nguyên để làm căn cứ thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2026-2030…
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các địa phương và các bộ, ngành đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kịch bản tăng trưởng; giải pháp thực hiện trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mới về phát triển giao thông đường sắt, đường bộ cao tốc, đường kết nối giữa đường sắt với các cảng biển; tháo gỡ khó khăn về thực hiện các dự án tại khu kinh tế biển, dự án điện gió… Đồng thời, cam kết với Thủ tướng sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện dự án đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2025.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Lạng Sơn
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến thảo luận, giải pháp cụ thể có tính khả thi cao để các địa phương thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đề ra. Trên cơ sở kết quả thảo luận, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ: các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vào cuộc sát sao, chỉ đạo các cơ quan xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho cấp dưới để thực hiện. Cùng đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế; khẩn trương hoàn thiện sắp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. Các bộ, ngành chủ động tham mưu cho Chính phủ các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các địa phương, chủ đầu tư ngay từ đầu năm tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2025. Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương về phong trào thi đua tăng trưởng trong hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.