Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Sáng 20/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Phan Thành Công, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024. Đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức kỳ thi. Chuẩn bị tốt công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi; chuẩn bị tốt các hệ thống, phần mềm cho kỳ thi; hoàn thành công tác tập huấn về thi tốt nghiệp; công tác tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến.

Đến nay, đã có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 47.330 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023; trong đó, thí sinh tự do chiếm 4,38%; cả nước có 2.323 điểm thi, với 45.149 phòng thi. Qua kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá các địa phương đã chủ động trong công tác chuẩn bị; sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; công tác truyền thông được đẩy mạnh, nhất là việc tuyên truyền, phổ biến về kỳ thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi theo đúng quy định...

Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung đưa ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị thi; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những thông tin trái chiều về kỳ thi trên không gian mạng; sớm phát hiện thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận trong kỳ thi; đảm bảo an toàn lưới điện; công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh...

Đối với tỉnh Ninh Bình, có 24 điểm thi chính thức. Tổng số phòng thi là 515 phòng. Có 11.795 thí sinh đăng ký dự thi. Toàn tỉnh dự kiến điều động trên 2.400 người tham gia phục vụ kỳ thi. Ban chỉ đạo Kỳ thi cấp tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy định, lịch trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Chỉ đạo kỳ thi của tỉnh.Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, thiết bị (hệ thống máy tính, máy quét bài thi trắc nghiệm, camera...) đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi; thành lập các Ban của Hội đồng thi và lập kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo đúng Quy chế thi và tiến trình tổ chức kỳ thi. Đặc biệt lưu ý về công tác an toàn, phòng chống cháy nổ, thời tiết cực đoan tại các điểm thi.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg, trong đó đặc biệt lưu ý: Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi; tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi, nhất là công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi, đặc biệt là những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa; rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi; xử lý kịp thời các tình huống phát sinh bất thường; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi; tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ tham gia làm thi; tiếp tục quan tâm công tác thông tin, truyền thông trước, trong và sau Kỳ thi; không lơ là, chủ quan trong tổ chức Kỳ thi; không tự ý xử lý tình huống bất thường tại Kỳ thi; đẩy mạnh công tác phối hợp để tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, đúng lịch trình...

Hồng Vân-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-cong-tac-to-chuc-ky-thi-tot-nghiep/d2024062014412621.htm