Hội Người khuyết tật nỗ lực thực hiện chuyển đổi số

Những năm qua, Hội Người khuyết tật (NKT) tỉnh tổ chức nhiều chương trình, hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm chia sẻ những thông tin, kiến thức liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS) cho cán bộ, hội viên (CBHV); chủ động phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc ứng dụng công nghệ CĐS nhằm hỗ trợ để NKT có thể tiếp cận mọi lĩnh vực một cách dễ dàng hơn; đồng thời, quan tâm, chú trọng tới vấn đề giải quyết việc làm để giúp hội viên tham gia vào thị trường lao động phù hợp.

Theo đó, Hội đã phối hợp với Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức hoạt động dạy nghề và tạo việc làm trên nền tảng công nghệ số, trong đó có dự án kinh doanh online tại nhà cho hội viên hội NKT.

Chị Vũ Thị Thịnh là hội viên Hội NKT phường Tân Tựu, thị xã Kim Bảng, hiện đang kinh doanh hiệu thuốc tại nhà. Chị Thịnh cho biết, trước đây chị học Trường Trung cấp dược (Hà Nội). Thời gian đầu, do mạng internet chưa phát triển nên phải lên Hà Nội để học. Với những NKT như chị, việc học xa nhà khiến chị gặp nhiều khó khăn, thường xuyên phải nhờ hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè trong lớp để có thể theo kịp chương trình. Nhưng từ khi có các chương trình về CĐS được các cấp hội NKT triển khai, chị có thể tiếp tục học liên thông từ xa mà không cần phải trực tiếp đến trường học. Chị Thịnh chia sẻ: Giờ đây, NKT chúng tôi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng internet thì ở bất kỳ đâu cũng đều có thể học tập, tìm hiểu các thông tin để phục vụ ngành nghề, sử dụng dịch vụ công, dịch vụ y tế... Công nghệ số giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong mọi hoạt động.

Nhờ CĐS, chị Vũ Thị Thịnh (phường Tân Tựu, thị xã Kim Bảng) có thể dễ dàng học tập, làm việc tại nhà.

Nhờ CĐS, chị Vũ Thị Thịnh (phường Tân Tựu, thị xã Kim Bảng) có thể dễ dàng học tập, làm việc tại nhà.

Còn anh Vũ Văn Trọng, một tiểu thương tại chợ Sàng, phường Tân Tựu, thị xã Kim Bảng cho hay: Hiện tôi đang kinh doanh mặt hàng đồ gia dụng và rèm cửa. Trước đây, mỗi khi bán hàng tại chợ tôi vô cùng tự ti, ngại giao tiếp, bởi bản thân bị khiếm khuyết. Công việc kinh doanh của tôi vì thế gặp không ít khó khăn. Song, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp hội NKT, tôi được tham gia một số tọa đàm, hội thảo, hướng dẫn nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ số. Qua đó, tôi đã học hỏi được nhiều điều, tự tin, mạnh dạn phát triển công việc kinh doanh của mình qua nhiều kênh bán hàng khác nhau, dần mở rộng khách hàng. Trong đó, tôi tập trung bán hàng trên các trang mạng xã hội, bán hàng trực tuyến bằng hình thức quay các đoạn phim ngắn giới thiệu sản phẩm... Thời gian đầu, tôi vẫn chưa thực sự quen với cách làm việc trên không gian mạng nhưng tôi không nản chí, tự mày mò, tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, cùng chia sẻ với các hội viên để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình kinh doanh online. Giờ đây, công việc của tôi cũng dần đi vào ổn định. Hơn thế, tôi đã không còn mặc cảm, tự ti như trước, được sống như một người bình thường.

Trên thực tế, nhờ CĐS, NKT có thể tự mình tham gia các lĩnh vực dịch vụ công và các tiện ích kỹ thuật số, giáo dục, y tế, mua sắm online, tìm kiếm việc làm online, kinh doanh tại nhà một cách dễ dàng, tạo nguồn thu nhập ổn định… CĐS được xem là cơ hội thúc đẩy bình đẳng đối với NKT. Tuy nhiên, với một bộ phận NKT sống ở vùng nông thôn, khi năng lực, trình độ về mọi mặt còn nhiều hạn chế; một số NKT chưa có đầy đủ trang thiết bị điện tử thông minh, máy tính cũng như chưa được trợ giúp, hướng dẫn sử dụng thuần thục các ứng dụng trong CĐS; một số NKT thiếu kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng... Vì thế, NKT cần có sự hỗ trợ đặc biệt để có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng một cách hiệu quả việc CĐS. Bên cạnh đó, bản thân NKT cần nắm bắt cơ hội về CĐS, có sự chủ động tự tìm hiểu và học hỏi nâng cao kỹ năng về công nghệ để tự tin hơn trong cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng.

Theo ông Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội NKT tỉnh, để phát huy những ưu điểm, lợi ích cũng như khắc phục những mặt khó khăn, hạn chế trong CĐS của NKT, Hội NKT tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin về chính sách CĐS đến cộng đồng NKT; tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn về sử dụng các ứng dụng, tiện ích công nghệ và bảo đảm an toàn trên không gian mạng cho NKT. Đồng thời, xây dựng, phát triển những nhóm nòng cốt về hỗ trợ công nghệ tại các hội theo hướng thường xuyên và lâu dài.

Bùi Linh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chuyen-doi-so/hoi-nguoi-khuyet-tat-no-luc-thuc-hien-chuyen-doi-so-160741.html