Hội Người mù TP Hà Nội: Nâng cao hiểu biết pháp luật cho cán bộ, hội viên, người khiếm thị
Sáng 4/7, được sự phối hợp của Sở Tư pháp TP Hà Nội, Hội Người mù TP đã tổ chức buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2023 nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho cán bộ, hội viên, người khiếm thị trên địa bàn TP. Bà Chu Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội Người mù TP chủ trì hội nghị.
Hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu Hội Người mù TP Hà Nội lần thứ XI (2023 - 2028), hội nghị kết hợp với chương trình văn nghệ - Cụm thi đua số 3 với chủ đề “Góp sức chung tay - Xây dựng đời mới” với nhiều tiết mục đặc sắc do các hội viên Câu lạc bộ tri thức và đời sống tháng 7 của Hội biểu diễn đã làm tăng thêm không khí sôi nổi cho hội nghị.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thành - đại diện Quỹ nhân ái các nhà báo Hà Nội đã có phần quà gửi đến Cụm thi đua số 3 cho ông Nguyễn Anh Hùng - Cụm trưởng Cụm thi đua số 3 Hội Người mù TP - Chủ tịch Hội Người mù huyện Mê Linh.
Tại hội nghị, các đại biểu, cán bộ cùng hàng trăm hội viên, người khiếm thị trên địa bàn TP đã được bà Chu Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội Người mù TP giới thiệu các nội dung về tuyên truyền Điều lệ Hội Người mù Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2022 - 2027 và Quy chế của Trung ương Hội và Hội Người mù TP Hà Nội; Nội dung Hiệp ước Marrakesh, những quy định liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022; Nghị định 17/2023/NĐ-CP.
Trong đó, Phó Chủ tịch Hội Người mù TP nhấn mạnh một số nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh và những quy định pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan dành cho người khuyết tật. Hiệp ước Marrakesh đã được thông qua vào tháng 6/2013 và chính thức có hiệu lực vào tháng 9/2016. Tính đến ngày 20/6/2023, Hiệp ước có 92 quốc gia thành viên và Hiệp ước Marrakesh chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6/3/2023.
Hiệp ước Marrakesh tạo ra môi trường pháp lý nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các tác phẩm đã công bố cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường, tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ quyền tác giả và bảo vệ lợi ích chung.
Nội dung chính của Hiệp ước Marrakesh: Tạo các bản sao dễ tiếp cận; Phân phối các bản sao dễ tiếp cận; Truyền đạt tác phẩm dưới dạng các bản sao dễ tiếp cận tối công chúng ở trong nước; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Xuất khẩu và nhập khẩu các bản sao dễ tiếp cận; Ngoại lệ liên quan đến các biện pháp công nghệ mà không cần phải xin phép chủ thể quyền.
Đối tượng thụ hưởng là người khiếm thị; người khuyết tật nhìn hoặc khuyết tật về khả năng nhận thức hoặc đọc mà không thể cải thiện chức năng thị giác cơ bản tương đương với một người không có suy giảm hoặc khuyết tật, do đó không thể đọc các tác phẩm in cùng một mức độ như người không có suy giảm hoặc khuyết tật; Người vì bất kỳ một khuyết tật thể chất nào khác không thể cầm nắm hoặc thao tác một cuốn sách hay tập trung hoặc di chuyển mắt để đọc ở mức độ bình thường…
Bà Chu Thị Thu Hà cũng nêu rõ giới hạn và ngoại lệ trong pháp luật quốc gia đối với bản sao ở định dạng dễ tiếp cận; Trao đổi xuyên biên giới các bản sao ở định dạng dễ tiếp cận; Nhập khẩu các bản sao ở định dạng dễ tiếp cận; Nghĩa vụ liên quan đến các biện pháp công nghệ.
Ngoài ra, hội nghị còn được nghe giới thiệu các quy định pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan dành cho người khuyết tật. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15; Nghị định số 17/2023/NĐ-CP…
Theo dự báo, số lượng người khuyết tật nhìn hoặc không có khả năng đọc chữ in sẽ tăng hơn nữa trong các thập kỷ tới do dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng, nhiều khả năng sẽ tăng số lượng người cao tuổi có thị lực kém và không có khả năng đọc chữ in. Bởi vậy việc tạo ra các định dạng dễ tiếp cận của các tác phẩm đã cong bố như chữ Braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ ký hiệu… càng trở nên quan trọng ở Việt Nam nhằm đảm bảo cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in thực hiện quyền bình đăng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng…
Phó Chủ tịch Hội Người mù TP chia sẻ, thông qua hội nghị tuyên truyền PBGDPL giúp cho cán bộ, hội viên, người khiếm thị trên địa bàn TP nâng cao hiểu biết pháp luật, nắm được những thông tin bổ ích liên quan đến quyền lợi của mình.