Hội phụ nữ tuyên truyền giúp phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững
Hội phụ nữ đã tuyên truyền, vận động hội viên, nhất là chị em dân tộc thiểu số tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tiếp cận các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập…
Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình đã có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, xây dựng gia đình “ấm no, hạnh phúc”.
Thông qua các chương trình, dự án, chị em được hỗ trợ cây giống, con giống, các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi, được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi, tiếp cận nguồn vốn vay... Qua đó, giúp nhiều hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Phú Minh, xã Thượng Hóa, chị Trần Thị Hồng Cảnh (dân tộc Chứt) chia sẻ, những năm qua, gia đình được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ cây giống, con giống, vay vốn mở rộng sản xuất, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Hiện nay, gia đình tập trung đầu tư trồng rừng kinh tế chủ yếu là cây keo với diện tích 2ha, mít ruột đỏ kết hợp với chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà.
Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật, đến nay, mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi của gia đình chị Cảnh đã cho thu nhập hàng năm trên 50 triệu đồng. Từ hộ còn khó khăn, đến nay, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, đời sống cơ bản ổn định.
Với trách nhiệm là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Phú Minh, chị cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong chi hội chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong khi đó, tại xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa), nhiều mô hình phát triển kinh tế do chị em làm chủ đang phát huy hiệu quả, trong đó, có 18 mô hình của chị em dân tộc thiểu số mang lại thu nhập hơn 60 triệu đồng trở lên/năm.
Theo chị Hồ Thị Thươi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dân Hóa, phụ nữ trong xã chủ yếu là người dân tộc Chứt và Bru-Vân Kiều. Thời gian qua, chị em rất tích cực học hỏi, trau dồi để chú trọng phát triển sản xuất kinh tế gia đình. Nổi bật ở bản Y Leng có chị Hồ Thị Xinh với mô hình chăn nuôi lợn bản và trồng rừng với thu nhập trên 80 triệu đồng/năm; chị Hồ Thị Cương với mô hình trồng keo kết hợp kinh doanh ăn uống cho thu nhập từ 80-90 triệu đồng/năm… Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ngân hàng Chính sách xã hội, chị em còn thường xuyên được tham gia tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, ứng dụng kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào. Vai trò, vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được khẳng định, chị em được khuyến khích, hỗ trợ tham gia đóng góp vào kinh tế gia đình và cộng đồng địa phương.
Bà Đinh Thị Ngọc Lê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhất là chị em dân tộc thiểu số tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Đặc biệt, tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, toàn huyện có 477 mô hình do chị em làm chủ cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên.
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tiếp tục tăng cường khai thác và quản lý nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tín chấp cho phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ 218.301 triệu đồng cho 3.360 hộ vay.