Hồi phục giáo dục sau đại dịch, chính quyền mới tại Philippines ưu tiên mô hình STEM
Sau thời gian dài giáo dục đình trệ vì dịch Covid-19, chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Philippines - Ferdinand 'Bongbong' Marcors Jr sẽ ưu tiên phát triển mô hình giáo dục STEM tích hợp 'khoa học – công nghệ - kỹ thuật và toán học'.
Trong một tuyên bố, Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcors Jr khẳng định chính phủ mới của Philippines sẽ chú trọng hơn vào mô hình STEM. Nhiệm vụ thúc đẩy mô hình này thuộc về Bộ Giáo dục Philippines dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng thống đắc cử Sara Duterte Carpio và Bộ trưởng Bộ giáo dục.
Theo ông Ferdinand Marcors, đào tạo cho người trẻ các kỹ năng dựa vào công nghệ kỹ thuật là rất quan trọng để đảm bảo đất nước Philippines có thể cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế và sáng tạo. Ông Marcors thừa nhận khả năng về Toán học và Khoa học của Philippines hiện chưa cao so với một số nước khác.
Các chuyên gia giáo dục cho biết mô hình giáo dục STEM có ưu điểm là kết hợp kiến thức lý thuyết với thực tiễn, có tính ứng dụng cao, khuyến khích học sinh vận dụng trí óc sáng tạo để giải quyết vấn đề, tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị và ý nghĩa cho xã hội. Phương pháp giáo dục này đang được nhiều nước phát triển áp dụng.
Cuối tuần qua, Bộ Giáo dục Philippines đã công bố Kế hoạch Phát triển Giáo dục Cơ bản (BEDP) đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục Philippines xây dựng một kế hoạch trung hạn và chiến lược cho giáo dục, giúp chính quyền mới tại nước này thực hiện một lộ trình cải thiện chất lượng giáo dục cơ bản, hướng tới mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giáo dục.
Philippines, với khoảng 27 triệu học sinh, là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đã đóng cửa hoàn toàn trường học trong suốt đại dịch Covid-19. Điều này đã gây ra cuộc khủng hoảng giáo dục khi nhiều học sinh ở các vùng hẻo lánh, nông thôn không có máy tính và Internet tại nhà để học trực tuyến. Ngay cả trước đại dịch, nền giáo dục Philippines cũng đứng trước nhiều thách thức như lớp học quá đông, cơ sở hạ tầng giáo dục thấp, mức lương giáo viên thấp. Do vậy, việc triển khai thành công mô hình STEM có thể là tín hiệu cho sự hồi phục và “cất cánh” của nền giáo dục Philippines./.