'Hồi sinh' di sản ở Cố đô Huế
Trùng tu di tích ở Cố đô Huế những năm gần đây được đánh giá ở đẳng cấp cao, không làm sai lệch giá trị gốc mà nâng cao giá trị di sản, bền vững với thời gian.
Chăm chút từng miếng sành sứ
Là người được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế “chọn mặt gửi vàng”, nghệ nhân Nguyễn Thanh Thuần (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) phụ trách đội thợ gồm 20 người có tay nghề cao, đảm nhận việc tạo hình, khảm sành sứ, phục dựng họa tiết trang trí, hình ảnh rồng trên nóc điện Thái Hòa.

Điện Thái Hòa sau khi trùng tu vẫn giữ được giá trị gốc. (Ảnh: Nguyễn T.A Phong)
Anh Nguyễn Thanh Thuần bén duyên với nghề khảm sành sứ từ năm 18 tuổi, qua thầy Trương Văn Ấn - nghệ nhân lão làng trong nghề khảm sành sứ ở Huế, từng đảm trách nhiều công trình phục hồi rồng, phụng, trang trí khảm sành sứ trên các công trình trùng tu di tích Cố đô Huế hơn 30 năm qua. Đến nay, anh Thuần có hơn 20 năm gắn bó với việc phục chế rồng, phụng trên kiến trúc cung đình Huế.
Theo nghệ nhân Thuần, làm việc trong di tích, người thợ ngoài tay nghề cao còn phải tuân thủ nguyên tắc bảo tồn nghiêm ngặt. Hầu hết sành sứ dùng để khảm rồng, phụng đều là sành sứ cổ của Nhật và Trung Quốc, một số ít của châu Âu, không được dùng hàng mới trên thị trường vì màu sắc không phù hợp.

Hệ thống bửu tán và bục ngai vua triều Nguyễn trong điện Thái Hòa sau khi được trùng tu. (Ảnh: Nguyễn T.A Phong)
“Để có nguồn phục vụ việc trùng tu di tích, chúng tôi phải đặt hàng những người làm nghề cát sạn trên sông Hương. Trước đây, nguồn sành sứ này phong phú, nhưng nay đã cạn dần. Để có nguồn đủ dùng, chúng tôi phải mua lại từ những người sưu tầm đồ cổ, hoặc tìm mua ở các cửa hàng sành sứ Nhật, với giá thành rất cao.
Những lô chén bát, sành sứ mua về được các nghệ nhân đập vỡ, lấy mảnh phù hợp, tỉ mẩn kết dính từng mảnh bằng xi măng, ngày này qua này khác tạo nên mắt, mũi, chân, móng vuốt, vảy…, hình thành những đôi rồng uy nghi, sống động trên các bờ, nóc cung điện”, nghệ nhân Nguyễn Thanh Thuần chia sẻ.

Năm 2019 tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là TP Huế) chi gần 124 tỷ đồng phục dựng điện Kiến Trung trên nền móng cũ.
Cấu kiện gỗ còn 1/3 cũng cần giữ lại
Nguyên tắc của Huế trong trùng tu, bảo tồn di sản là không chạy theo hình thức hoặc trùng tu kiểu sao chép mà cố gắng giữ lại tối đa cấu kiện gốc. Ngay cả khi di tích xuống cấp vẫn cần đảm bảo các quy định về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử.

Quá trình trùng tu điện Kiến Trung, những người làm công tác trùng tu nghiên cứu kỹ các tư liệu, hình ảnh tư liệu để có thể phục hồi nguyên trang cung điện đúng theo nguyên mẫu.
Nghệ nhân Phan Cảnh Quang Thuận (SN 1973, ở phường Thủy Biều, TP Huế) cho biết, khi trùng tu điện Thái Hòa, từng cấu kiện gỗ đều được đánh giá rất kỹ. Cấu kiện còn tốt sẽ được tái sử dụng, cấu kiện nào hư hỏng, mối mọt sẽ được thay thế bằng gỗ mới và trùng tu theo nguyên bản.
Các cấu kiện gỗ sau khi chế tác thành cột, kèo, xuyên, vách sẽ được chuyển sang thực hiện công đoạn sơn son thếp vàng. Để hoàn thiện sơn son thếp vàng cho một cấu kiện gỗ, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn và sơn đến… 14 lớp.

Nghệ nhân làm sạch từng chi tiết trên các cấu kiện gỗ trong điện Thái Hòa trước khi thực hiện thếp vàng. (Ảnh: Nguyễn T.A Phong)
“Việc sơn son thếp vàng cho cấu kiện gỗ và bửu tán thếp vàng tại điện Thái Hòa được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Đội thợ phải chia làm nhiều ca kíp, làm xuyên ngày đêm để vừa đảm bảo kỹ thuật, đúng tiến độ, kịp phục vụ khách tham quan…”, nghệ nhân Quang Thuận chia sẻ.
Ban đầu, nghệ nhân lấy nhựa một giống cây sơn trong tự nhiên. Sơn sống sau khi đánh thành sơn chín được lọc qua lớp vải, bỏ cặn bã, pha với bột màu sơn mài, nhựa thông, dầu trẩu và dầu hỏa theo tỷ lệ nhất định, rồi đánh thành sơn son, nghệ nhân dùng sơn son thếp vàng, thếp bạc các cấu kiện gỗ tại điện Thái Hòa.

Bửu tán làm bằng gỗ, qua thời gian phần thếp vàng bị bay màu, cần bảo tồn, trùng tu khéo léo. (Ảnh: Nguyễn T.A Phong)
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: "Bài học lớn rút ra khi trùng tu di tích là không thể nóng vội. Mỗi công trình là một thực thể sống, chứa đựng ký ức giá trị lịch sử và văn hóa, nên cần sự kiên nhẫn, trân trọng và tình yêu di sản, gìn giữ tối đa không gian cảnh quan văn hóa của di sản kết hợp với các yếu tố thiên nhiên ban tặng mà các thế hệ tiền nhân đã dày công gây dựng. Đó chính là bí quyết giúp Huế giữ vững bản sắc và thế mạnh giữa dòng chảy của xu hướng phát triển hiện đại".
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hoi-sinh-di-san-o-co-do-hue-ar953383.html