Hồi sinh dòng sông chết: Cải tạo tích cực nhưng 'chưa được bao nhiêu'
Nhắc đến các dòng sông như sông Đáy, sông Cầu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói đây chỉ là những dòng sông ô nhiễm nặng chứ không phải là các dòng sông chết.
Giải pháp hồi sinh "dòng sông chết"?
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/6, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hồi sinh các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng trong thời gian tới, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải?
Trả lời chất vấn về giải pháp và kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường để phục hồi và hồi sinh các dòng sông chết, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh giải thích “dòng sông chết” là những dòng sông vừa ô nhiễm nặng, vừa không có dòng chảy.
"Sông chết nghĩa là vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy. Các sông nói trên ô nhiễm nặng chứ không phải dòng sông chết", ông Khánh nói.
Bộ trưởng dẫn chứng một số sông ô nhiễm nặng hiện nay như sông Đáy, sông Cầu, đồng thời thừa nhận dù Bộ và các địa phương tích cực nhưng vẫn "chưa cải tạo được bao nhiêu" các dòng sông ô nhiễm.
Nguyên nhân, theo ông Khánh là do nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn xả thải ra các dòng sông này nhưng chúng ta chưa đủ nguồn lực để đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Hà Nội đã quy hoạch một số nhà máy xử lý nước thải ở Gia Lâm và Long Biên, ông Khánh đề nghị Hà Nội làm sớm. Bên cạnh đó, các địa phương cần chung tay thu gom, xử lý nước thải và tạo dòng chảy cho các dòng sông để khơi thông, điều hòa dòng chảy.
Về dài hạn, ông Khánh cho rằng cần một Ủy ban điều phối nhiệm vụ này. Giai đoạn 2026-2030 cần quan tâm xử lý các dòng sông ô nhiễm và việc này cần nguồn lực tương đối lớn.
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cho rằng việc quản lý các nguồn phát thải, xả thải là giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc quản lý ô nhiễm nguồn nước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp căn cơ trong thời gian tới để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cũng như là nước phải sinh hoạt?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thi về quản lý nguồn nước thải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, đúng như thực trạng đại biểu phản ánh, vấn đề xử lý nước thải còn hạn chế, đặc biệt là nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, nước thải cụm công nghiệp làng nghề. Xử lý vấn đề này cần có những giải pháp tổng thế: Nguồn lực, lộ trình thời gian, đầu tư hạ tầng, và sự quan tâm của các địa phương, bộ ngành…
Về thể chế chính sách, Bộ trưởng cho rằng, cần có sự hợp tác công tư để đảm bảo nguồn xã hội hóa; ban hành đơn giá dịch vụ hợp lý để các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy xử lý nước thải; tăng cường công tác quan trắc giám sát…
Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khánh thành Trung tâm tổng hợp xử lý dữ liệu và quan trắc kết nối với tất cả các địa phương và các vùng nguồn xả thải lớn; từng bước cập nhập và kiểm tra xử lý vấn đề này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, đặc biệt các trường hợp cố tình xả thải ra môi trường không đạt yêu cầu.
Ô nhiễm ngày càng tăng, trách nhiệm của Bộ ra sao?
Giơ biển tranh luận với Bộ trưởng về hồi sinh các "dòng sông chết", ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) nêu, theo trả lời của Bộ trưởng liên quan đến dòng sông như vậy là do xả thải đi qua nhiều tỉnh và mức độ xả thải lớn. Chính vì đi qua nhiều tỉnh nên Điều 8 của Luật Bảo vệ Môi trường mới giao cho Bộ TN&MT chủ trì trong vấn đề đánh giá nguồn xả thải đến việc xử lý môi trường.
Đại biểu hỏi trách nhiệm của Bộ trong việc tổ chức thực hiện Luật như thế nào? Trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
Nêu lại câu trả lời của Bộ trưởng cho rằng vấn đề này cần có thời gian và nguồn lực. Về nội dung này, ông Toàn cho biết, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ Đáy đã được thành lập đến nay là nhiệm kỳ thứ 5 nhưng tình trạng ô nhiễm không giảm. “Xin Bộ trưởng cho biết cần thêm bao nhiêu thời gian?”, ông Toàn nêu câu hỏi.
Thêm một vấn đề về nguồn lực, ông Toàn cho rằng đòi hỏi nguồn lực từ Trung ương, địa phương, đại biểu hỏi Bộ trưởng đã cho xây dựng triển khai dự án hay chưa? Phương hướng xử lý ô nhiễm tổng thể như thế nào? Bởi vấn đề này liên quan đến sức khỏe và đời sống của hàng chục triệu dân ở các vùng lưu vực sông.
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Toàn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết vừa qua Bộ TN&MT và Bộ Công an đã phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử phạt nhiều vi phạm, nhưng các dòng sông vẫn ô nhiễm nặng nề do nước thải sinh hoạt và nước thải từ cụm công nghiệp, làng nghề.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng các địa phương tăng cường quan trắc, giám sát, kiểm tra đột xuất để xử lý nghiêm vi phạm. Đại biểu phản ánh tình trạng “càng ngày càng ô nhiễm”, Bộ trưởng giải thích do phát triển kinh tế - xã hội nên nhu cầu dùng nước sẽ ngày càng tăng.
Càng phát triển thì những dòng sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, sông Bắc Hưng Hải… cũng đang bị tác động bởi tiến trình đô thị hóa, nước thải sinh hoạt nhiều hơn. Giải pháp Bộ trưởng đưa ra là cần tạo được dòng chảy, khơi thông hệ thống.
“Việc này cần giải pháp vừa tổng thể vừa căn cơ, bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ các dòng sông ô nhiễm nặng”, ông Khánh cho biết.
Bộ trưởng cũng cho biết, tiến tới Bộ TN&MT đang xây dựng đề án thí điểm đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho đề án nghiên cứu thí điểm tổng thể hai dòng sông: Dòng sông Bắc Hưng Hải và sông Nhuệ Đáy, có lộ trình phối hợp với các địa phương để xử lý môi trường.