Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na

Nghề dệt thổ cẩm được xem là một nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của người dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Có thời điểm, nghề bị mai một vì đầu ra không ổn định. Gần đây, nghề này hồi sinh nhờ vào các chính sách khuyến khích bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số.

Nhờ vào các chính sách hỗ trợ, nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã hồi sinh, được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Ảnh: NGỌC HÂN

Nhờ vào các chính sách hỗ trợ, nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã hồi sinh, được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Ảnh: NGỌC HÂN

Giữ tinh hoa làng nghề

Theo những người cao tuổi tại thôn Xí Thoại, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống tồn tại hàng trăm năm trước của đồng bào dân tộc Ba Na. Riêng tại thôn Xí Thoại, nghề dệt được hình thành từ năm 1945, bắt đầu xuất hiện ở các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dần dần được ưa chuộng và mở rộng buôn bán ra các thôn khác của xã Xuân Lãnh và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh.

Ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh cho biết: Trước kia, hầu hết các hộ trong thôn Xí Thoại đều gắn bó với công việc này và nghề dệt thổ cẩm được lưu giữ từ đời này đến đời khác theo kiểu mẹ truyền con nối. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề dần mai một, vì sản phẩm làm ra tiêu thụ không ổn định.

Theo ông Hải, để bảo tồn nghề truyền thống, nhờ các chính sách hỗ trợ, chính quyền địa phương đã thành lập tổ hợp tác, tổ tự quản dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại; đồng thời tổ chức các lớp dạy nghề, kết nối với các tổ chức, cá nhân để giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Từ một vài hộ còn duy trì sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, làng nghề có 40/192 hộ tham gia hoạt động sản xuất.

Nhà rông văn hóa thôn Xí Thoại giờ là nơi để phụ nữ trong thôn cùng có mặt sau những giờ lên rẫy. Lúc này, người lớn tuổi dạy cho người trẻ hơn dệt nên những tấm thổ cẩm đa sắc màu.

Bà So Thị Nghiệp (82 tuổi), người trực tiếp truyền nghề ở thôn Xí Thoại cho biết: “Ngày xưa, các cô gái Ba Na khoảng 14-15 tuổi đã bắt đầu học dệt để may váy, quần áo, dệt những tấm khăn để địu con đi rẫy. Còn thế hệ trẻ bây giờ hầu như không biết dệt, vì thế tôi đã cố gắng truyền nghề và luôn nhắc con cháu rằng gìn giữ nghề dệt thổ cẩm là giữ linh hồn của đồng bào mình. Đó là nét văn hóa đặc trưng, nếu không giữ gìn thì sẽ dần mai một rồi mất đi”.

Được truyền nghề, nhiều chị em ở thôn Xí Thoại không giấu được niềm vui khi biết dệt, biết phối màu, tạo các kiểu hoa văn gần gũi với đời sống…

“Chị em dần yêu thích công việc này nên hăng hái đăng ký tham gia tổ dệt thổ cẩm. Ngoài dệt trang phục truyền thống, chúng tôi còn làm ra hàng chục sản phẩm khác như: túi đựng điện thoại, khăn choàng cổ, túi đựng phụ kiện. Các sản phẩm cũng đã dần tiếp cận thị trường, giúp chị em có nguồn thu nhập ổn định”, chị La O Thị Tím, thành viên tổ dệt phấn khởi nói.

Mở hướng đi mới cho thổ cẩm

Với sự hồi sinh mạnh mẽ nói trên, cuối năm 2023, UBND tỉnh đã công nhận làng nghề truyền thống đối với nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại.

Đang chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, trưng bày các sản phẩm để làm lễ đón nhận bằng công nhận làng nghề truyền thống, ông Lê Văn Khương, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Xí Thoại bày tỏ: Đây là niềm vui, vinh dự của bà con trong thôn khi làng nghề được công nhận. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng để dễ dàng tiêu thụ. Trong tương lai, làng nghề kết hợp với phát triển du lịch, tôi tin bà con sẽ có thu nhập ổn định hơn.

Theo ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Đồng Xuân, thời gian qua, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành viên tổ dệt thổ cẩm tham gia các lớp đào tạo nghề, hội chợ triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

“Huyện đang triển khai nhiều kế hoạch để tiếp tục giúp các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của bà con nơi đây có chỗ đứng trên thị trường và gắn với phát triển du lịch làng nghề; đồng thời hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề gắn với phát triển sản phẩm OCOP, tạo thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định”, ông Huy cho biết.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Để tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, xây dựng và triển khai đề án Khôi phục phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số làng nghề mới gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Trong đó có hỗ trợ sinh kế cho bà con làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại, cụ thể như: Hỗ trợ khung dệt vải, khung lên chỉ, máy may, máy vắt sổ…

Để giúp người dân bảo tồn, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở Công Thương, VH-TT&DL... triển khai nhiều hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, tìm kiếm kênh tiêu thụ, phát triển sản phẩm làng nghề, tạo thu nhập cho người dân.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/312738/hoi-sinh-nghe-det-tho-cam-cua-nguoi-ba-na.html