Hồi sinh phế tích Châu Hương Viên
15 năm trước, Báo SGGP đăng 2 bài viết: 'Châu Hương Viên của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sẽ thế nào?', 'Châu Hương Viên kêu cứu', (số ra ngày 30-6 và 1-7-2009), phản ánh sự hoang tàn của công trình gắn liền với cuộc đời danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị - người có công rất lớn trong việc phát triển thơ văn, tuồng, ca Huế.
Những nỗ lực đeo đuổi vấn đề này của phóng viên Báo SGGP trong nhiều năm cuối cùng cũng có kết quả: Tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra, lập hồ sơ công nhận di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, đồng thời triển khai công tác bảo tồn, tu bổ di tích này.
Tri ân cụ Ưng Bình
Tại lễ khánh thành sau thời gian bảo tồn, tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức mới đây, một chương trình biểu diễn ca Huế đặc sắc được các văn nghệ sĩ xứ Huế trình bày để tưởng niệm, tri ân cụ Ưng Bình.
Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng, chia sẻ, nhờ những sáng tác, những làn điệu ca Huế của cụ Ưng Bình mà sinh hoạt ca Huế trở nên đặc sắc và được duy trì, phát triển cho đến hiện nay. Việc hồi sinh di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên được xem là dấu mốc quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị ca Huế.
Châu Hương Viên là địa chỉ văn hóa truyền thống lâu đời, vốn là thi đàn của “Hương Bình thi xã”. Những bậc cao niên ở cố đô Huế cho biết, Châu Hương Viên là khu nhà vườn rộng khoảng 1ha, có một ngôi nhà rường cổ làm bằng gỗ 3 gian, 2 chái với 2 lớp cửa gỗ và cửa gương. Bên phải ngôi nhà có một căn nhà ngang nhiều cửa hướng Đông để đón mặt trời mọc và một khu vườn rộng với hàng trăm loại cây trái tự nhiên; trên cổng trước nhà (đường Nguyễn Sinh Cung, TP Huế) có đúc 3 chữ Châu Hương Viên. Đây là “đình hưu” duy nhất - nơi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống trọn cuộc đời với thi ca sau khi rời quan trường.
Năm 1961, khi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị qua đời, Châu Hương Viên được giao lại cho con cái gìn giữ, quản lý. Tuy nhiên, năm 1968, những người con của cụ chuyển vào Sài Gòn sinh sống và kể từ đó, khuôn viên ngôi nhà không được trông coi, dần hoang tàn theo thời gian. Châu Hương Viên vốn hòa trong cảnh sắc u nhã của xứ Huế thơ mộng, không mỹ lệ, không xây tường rào biệt lập ngày nào dần chỉ còn duy nhất một ngôi nhà rường cổ xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ đổ sập và một bức bình phong phía trước cách ngôi nhà khoảng 10m.
Địa chỉ văn hóa nơi cố đô
Sự xuống cấp, hoang tàn ở Châu Hương Viên được phản ánh lần đầu tiên trên báo chí vào năm 2009, bởi Báo SGGP. Trong nhiều năm sau đó, phóng viên Báo SGGP tiếp tục các nỗ lực để Châu Hương Viên không bị lãng quên. Qua thư điện tử và những cuộc gọi điện thoại, đến năm 2012, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương (út nữ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị) từ TPHCM trở về Huế, gặp phóng viên Báo SGGP. Bà cho biết, năm 1997, gia đình đã đồng ký vào văn bản xin tặng ngôi nhà rường - công trình duy nhất còn lại ở Châu Hương Viên - cho Nhà nước, nhưng có thể thất lạc thư từ nên gia đình chưa nhận được bất cứ ý kiến hồi đáp nào.
Phóng viên Báo SGGP nỗ lực kết nối nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương với một số lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như một số nhà nghiên cứu văn hóa Huế để trình bày nguyện vọng của gia đình. Bà Tôn Nữ Hỷ Khương cùng người thân sau đó tiếp tục có đơn hiến tặng ngôi nhà rường cho Nhà nước, với mong muốn để Châu Hương Viên trở thành một địa chỉ văn hóa của xứ Huế.
Bẵng đi một thời gian, ngày 12-10-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khi đó là ông Phan Ngọc Thọ đến thăm Châu Hương Viên, và chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm có phương án trùng tu để “cứu” địa chỉ văn hóa này. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sau đó ra Quyết định xếp hạng di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên là di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) cấp tỉnh, giao cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý di tích.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, năm 2021, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức khởi công công trình Bảo tồn, tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, với các hạng mục: tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại toàn bộ di tích gốc bao gồm nhà chính, nhà phụ, bình phong; cải tạo, chỉnh trang sân vườn mặt trước và khu vực xung quanh khuôn viên cùng các hạng mục khác, với tổng kinh phí thực hiện hơn 10 tỷ đồng.
Quá trình bảo tồn, tu bổ đã giúp di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên lấy lại những nét xưa vốn có. Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng chính thức từ tháng 6-2024.
TS Phan Thanh Hải đánh giá, việc bảo tồn di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên góp phần cải tạo cảnh quan khu vực. Đây là dấu ấn quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, nhất là gắn với danh nhân Ưng Bình, người có công phát triển ca Huế - loại hình nghệ thuật riêng có của Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (Ưng Bình là tên, hiệu là Thúc Giạ Thị). Ông sinh ra tại làng Vỹ Dạ, trong một gia đình hoàng tộc, có truyền thống văn chương. Không chỉ là nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng xứ Huế, Ưng Bình còn là người có công lao to lớn trong việc hình thành và phát triển ca Huế thính phòng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hoi-sinh-phe-tich-chau-huong-vien-post749236.html