HỘI THẢO HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

Sáng 24/7, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng và Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh/ thành phố; đại diện các Bộ, ngành hữu quan; các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, Dự án Luật đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, theo kế hoach sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới đây. Việc xây dựng Dự án Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, thể chế hóa yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị về.

Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, đa số các vị đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra; ủng hộ sự cần thiết ban hành Luật; trong đó có nhiều ý kiến góp ý phong phú, sâu sắc về các nội dung cụ thể của Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng phát biểu

Về một số vấn đề trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tại hội thảo, đại diện Ban soạn thảo cho biết, việc chỉnh lý dự thảo Luật đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44 (Thông báo số 3571/TB-TTKQH ngày 24/4/2020) và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Thứ hai, tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội theo từng nhóm vấn đề để nghiên cứu tiếp thu, giải trình. Đối với những vấn đề mà đại biểu Quốc hội còn có ý kiến, quan điểm khác nhau thì tổ chức tham vấn rộng rãi ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để có sự cân nhắc tiếp thu phù hợp. Đối với những ý kiến của đại biểu Quốc hội mà không tiếp thu thì có giải trình thỏa đáng, thuyết phục.

Thứ ba, rà soát bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, khắc phục được sự phân tán, không rõ trách nhiệm.

Thứ tư, quy định cụ thể tối đa các nội dung. Chỉ để ở các văn bản dưới Luật các quy định có tính kỹ thuật như trình tự thủ tục, hồ sơ, hoặc nội dung sẽ có nhiều điều chỉnh cho phù shợp với tình hình thực tế. Trường hợp phải quy định ở văn bản dưới Luật thì phải quy định rõ về nguyên tắc, thẩm quyền để làm căn cứ cho các văn bản dưới Luật quy định.

Thứ năm, các quy định phải đảm bảo tính khả thi, để dễ dàng triển khai thực hiện trong thực tế, phù hợp với khả năng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc tổ chức và thực hiện; các quy định phát sinh nghĩa vụ của tổ chức cá nhân cần phải có lộ trình phù hợp.

Đại biểu Quốc hội cho ý kiến

Đại biểu Quốc hội cho ý kiến

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đãnh giá cao sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

Đi vào các nội dung cụ thể, một số đại biểu chỉ ra rằng, việc yêu cầu về công khai thông tin sự cố môi trường là rất tốt, tuy nhiên cần có một cơ chế nhất định về việc công khai thông tin thế nào cho vừa đúng, vừa đủ, đảm bảo được độ tin cậy. Đồng thời việc công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép là việc nên làm để toàn dân có thể giám sát.

Một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, trong dự án Luật có một số quy định rất chi tiết, tuy nhiên chi tiết quá thì không nên ở mức Luật, mà cần để ở mức Nghị định hướng dẫn vì trình độ khoa học công nghệ còn thay đổi, do đó không nên quy định cứng ở trong Luật. Đối với các điều khoản liên quan đến đánh giá tác động môi trường thì đối tượng làm đánh giá tác động khá rộng, điều này sẽ không phù hợp. Nhìn ra một số nước trên thế giới, họ đang thu hẹp các đối tượng đánh giá tác động khi đã có giấy phép môi trường. Bên cạnh đó một số đại biểu đề nghị nên giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng phối hợp với tỉnh đánh giá tác động, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.

Đối với giấy phép môi trường, có ý kiến cho rằng, việc dựa vào Luật Đầu tư công để cấp giấy phép môi trường thì rất khó, do đó, cần phải quy định rõ ràng hơn về việc các tổ chức cá nhân phải có giấy phép môi trường. Đồng thời cần quy định cụ thể về những vấn đề liên quan, phát sinh đối với giấy phép môi trường.

Các nhà nghiên cứu phát biểu

Các nhà nghiên cứu phát biểu

Ngoài ra, về vấn đề tổ chức phân luồng giao thông theo loại hình nhiên liệu, mức tiêu chuẩn khí thải, một số ý kiến cho rằng vấn đề này sẽ giao cho chính quyền địa phương. Do đó, cần tham khảo ý kiến của địa phương về nội dung này. Đối với những khu vực giao thông mật độ cao, thì cũng cần có sự phân luồng để bảo vệ môi trường, tuy nhiên các quy định như thế nào trong Luật thì cần nghiên cứu thêm cho hợp lý.

Về vấn đề ứng phó sự cố môi trường, một số ý kiến cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang có kế hoạch về rất nhiều loại hình ứng phó sự cố, vấn đề này đã được quy định trong Luật Hóa chất, do đó không cần bàn sâu trong luật này. Bên cạnh nữa, trong khi đánh giá tác động môi trường thì các doanh nghiệp đã lập kế hoạch ứng phó với sự cố môi trường rồi, do đó, cần lược đi những quy định mang tính trùng dẫm.

Bên cạnh đó, về trách nhiệm quản lý nhà nước, một số đại biểu chỉ rõ việc Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực này, tuy nhiên một số vấn đề trong Dự án Luật giao cho các Bộ, ngành khác. Nhưng các Bộ, ngành chưa có đủ công cụ để thực hiện một số công việc này. Do đó, tính khả thi chưa cao. Chính vì vậy đề nghị cân nhắc, xem xét giao tất cả cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện. Đồng thời, công tác kiểm tra giám sát giữa các Bộ, ngành còn yếu, chính vì vậy đề nghị Ban soạn thảo lưu ý thêm về vấn đề này.

Kết luận một số nội dung hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trân trọng cảm ơn những ý kiến xác đáng, sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học. Chủ nhiệm Ủy ban nêu rõ, các ý kiến góp ý này sẽ là căn cứ để Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung dự án Luật; đảm bảo Luật ban hành đáp ứng được kỳ vọng của người dân và có sức sống bền lâu khi đi vào thực tiễn./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47203