Hội thảo khoa học 'Phát triển kinh tế số và xã hội số: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam'

Các nội dung được trình bày tại Hội thảo khoa học 'Phát triển kinh tế số và xã hội số: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam' là những luận cứ quan trọng để đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm đưa hoạt động kinh tế số - xã hội số thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam.

Sáng ngày 06/6/2024, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển Kinh tế số và xã hội số: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương đã tham dự và trình bày tham luận với chủ đề “Quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát triển kinh tế số ngành Công Thương”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của các đại biểu đến từ Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Tổng cục Hải quan, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng, Học viện Viettel, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam VDCA…

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Kinh tế số và xã hội số trở thành xu hướng phát triển chủ đạo trên toàn cầu

Thông tin tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, trong những năm gần đây, kinh tế số và xã hội số đã trở thành xu hướng phát triển chủ đạo trên toàn cầu.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự bùng nổ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data), đang thay đổi mạnh mẽ cách thức doanh nghiệp vận hành và tương tác với khách hàng cũng như cách thức quản lý của Nhà nước. Các quốc gia cũng như doanh nghiệp trên thế giới đang nỗ lực thích ứng, khai thác tối đa tiềm năng công nghệ số để nâng cao hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị mới và hướng tới sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

PGS.TS. Phạm Thu Hương nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, trường Đại học Ngoại thương đã không ngừng nỗ lực để tích hợp các yếu tố của kinh tế số, xã hội số vào chương trình đào tạo và nghiên cứu.

Cụ thể, đối với các chương trình đào tạo, nhà trường đã xây dựng và phát triển một số môn học mới liên quan đến kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, big data; xây dựng các phòng học thực hành, tăng cường kết nối với doanh nghiệp/tổ chức trong quá trình giảng dạy. Đối với công tác nghiên cứu khoa học, nhà trường thúc đẩy mạnh mẽ các đề tài nghiên cứu về chuyển đổi số, tác động của công nghệ số đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Thêm vào đó, nhà trường luôn khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo, các chương trình khởi nghiệp.

Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế số và xã hội số: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức thành 2 phần.

Theo đó, phần 1, các diễn giả sẽ trình bày tham luận về các chủ đề liên quan đến quản lý nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế số - xã hội số; một số vấn đề về cải cách cơ cấu kinh tế để phát triển kinh tế số ở Việt Nam; mô hình chuyển đổi số hiệu quả tại một số doanh nghiệp điển hình.

Trong phần 2, các đại biểu cùng thảo luận cụ thể về các xu hướng phát triển của kinh tế số, xã hội số trên toàn cầu và tại Việt Nam; những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt…

Đại diện Lãnh đạo Trường Đại học Ngoại thương khẳng định, tất cả nội dung trình bày và thảo luận tại Hội thảo sẽ là những luận cứ quan trọng để đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm đưa hoạt động kinh tế số - xã hội số thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam.

PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu khai mạc Hội thảo.

PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu trong công tác quản lý hoạt động và thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, các chính sách phát triển kinh tế số và thương mại điện tử tại Việt Nam đã tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Các chính sách đó bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng số, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong phát triển kinh tế số và thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay là do thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai các chính sách; vấn đề niềm tin của người tiêu dùng vào bảo mật thông tin; hạ tầng công nghệ chưa đồng đều; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và khó khăn trong quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới.

Phó Cục trưởng cho rằng, vai trò quản lý nhà nước về thương mại điện tử và kinh tế số đã được thể hiện qua việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản, chính sách về thương mại điện tử (tạo ra khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thuận lợi cho sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số).

Công tác thực thi pháp luật về thương mại điện tử; tăng cường hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử (thông qua việc tham gia vào các tổ chức quốc tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do và hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác để học hỏi và áp dụng các chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh).

Hoạt động phát triển thương mại điện tử và kinh tế số (nhằm triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, các nền tảng công nghệ số hỗ trợ cho các tổ chức doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhanh chóng, bền vững.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền trình bày tham luận tại Hội thảo.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền trình bày tham luận tại Hội thảo.

Trong đó, đối với hoạt động phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền chia sẻ, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy liên kết vùng, Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đã tổ chức các Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử (tại Cần Thơ và Đồng bằng Sông Cửu Long, tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc) và tới đây sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị tại các vùng kinh tế khác.

Qua đó, chuỗi hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ góp phần giúp các địa phương kết nối, chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nội vùng, liên vùng và của cả nước.

Nhằm nhấn mạnh vai trò quản lý nhà nước trong thương mại điện tử và kinh tế số, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu trong công tác thực thi pháp luật về thương mại điện tử. Theo Phó Cục trưởng, công tác giám sát hoạt động thương mại điện tử tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động Thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số quản lý, vận hành đã đạt dịch vụ công mức 4.

Cùng với đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang thực hiện kết nối dữ liệu với Tổng cục Thuế nhằm tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đối với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, do Bộ Công an chủ trì, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai.

“Nhà nước có chính sách và biện pháp thích hợp nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển minh bạch, bền vững thông qua Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia” – Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh.

Đồng thời Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền cũng cho biết, Bộ Công Thương đang thực hiện sơ kết Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng Dự thảo Kế hoạch giai đoạn tiếp theo.

Dự thảo Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 đang được triển khai, xây dựng hướng đến mục tiêu: Hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh; Phát triển thương mại điện tử theo liên kết vùng; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Phát triển thương mại điện tử xanh, tuần hoàn, bền vững; Phát triển xã hội số trong thương mại điện tử.

Phiên thảo luận của Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế số và xã hội số: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, từ đó, đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm đưa hoạt động kinh tế số, xã hội số trở thành động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Trường Đại học Ngoại thương.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Trường Đại học Ngoại thương.

Thùy Dương

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/hoi-thao-khoa-hoc--phat-trien-kinh-te-so-va-xa-hoi-so--co-hoi-va-thach-thuc-cho-doanh-nghiep-viet-nam-122168.htm