Hội thảo 'Nâng cao chất lượng hoạt động của nhà thiếu nhi cấp huyện'
Sáng nay 10/11, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức hội thảo 'Nâng cao chất lượng hoạt động của nhà thiếu nhi cấp huyện' nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của nhà thiếu nhi cấp huyện thời gian qua và xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thời gian tới.
Nhà Thiếu nhi cấp huyện là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp huyện quản lý. Nhà thiếu nhi có chức năng tập hợp thiếu nhi thông qua tổ chức các hoạt động tạo môi trường giáo dục toàn diện qua các mô hình, các phương thức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, khoa học kỹ thuật nhằm giáo dục tinh thần và thể chất cho thiếu nhi.
Đồng thời bồi dưỡng phương pháp công tác đội và phong trào thiếu nhi trong và ngoài nhà trường; phát hiện năng khiếu, tài năng, khả năng sáng tạo của thiếu nhi thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động thực tiễn.
Hiện nay, giám đốc của 4/6 nhà thiếu nhi cấp huyện do bí thư huyện đoàn kiêm nhiệm; 5/6 nhà thiếu nhi không có cán bộ hợp đồng; 5/6 nhà thiếu nhi không được giao chỉ tiêu biên chế tại nhà thiếu nhi; 3/6 nhà thiếu nhi được UBND huyện cấp kinh phí hoạt động từ 20-25 triệu đồng/năm, còn lại các nhà thiếu nhi cấp huyện đều tự chủ động đảm bảo kinh phí hoạt động theo chơ chế xã hội hóa và tranh thủ các nguồn kinh phí từ việc cho thuê sân bãi, hội trường, lớp học...; 5/6 nhà thiếu nhi cấp huyện có trụ sở riêng.
Phần lớn các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ hoạt động bồi dưỡng năng khiếu, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác đội như: trống, kèn, đàn... tại các nhà thiếu nhi huyện, thị xã đều đã hư hỏng, không sử dụng được.
Thảo luận tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là một số văn bản hướng dẫn, quy định của trung ương về tổ chức và hoạt động của nhà thiếu nhi đã không còn phù hợp; hầu hết giám đốc các đơn vị nhà thiếu nhi cấp huyện trực thuộc đoàn thanh niên đều do bí thư hoặc phó bí thư đoàn kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, không ổn định, ảnh hưởng tới hoạt động của nhà thiếu nhi.
Đội ngũ giáo viên các môn năng khiếu đang trực tiếp giảng dạy tại các nhà thiếu nhi chủ yếu làm việc theo hình thức cộng tác viên, chế độ đãi ngộ không cao, do vậy không tạo được động lực trong việc gắn kết lâu dài và yên tâm công tác; hệ thống cơ sở hạ tầng trang thiết bị phục vụ dạy và học hư hỏng, hạn chế về chất lượng và kỹ thuật; kinh phí hoạt động của nhà thiếu nhi cấp huyện hạn chế, dẫn đến khó khăn trong duy trì hoạt động...
Do vậy, đề xuất xem xét sửa đổi Hướng dẫn Liên tịch số 15-HDLT/BTCTW-TƯĐTNCSHCM, ngày 29/11/2002 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đoàn để đảm bảo thống nhất trong hệ thống nhà thiếu nhi toàn quốc; không sáp nhập nhà thiếu nhi cấp huyện với các đơn vị khác, tiếp tục giao đoàn thanh niên cấp huyện quản lý, hướng dẫn hoạt động, từ đó tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác đội và đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi trên địa bàn; quan tâm bố trí ngân sách trung hạn để thực hiện việc xây dựng hệ thống nhà thiếu nhi cấp huyện đảm bảo 90% theo Nghị quyết 103/NQ-HĐND của HĐND tỉnh...
Trên cơ sở những ý kiến tham gia thảo luân tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Phạm Xuân Khánh đề nghị các đơn vị khẩn trương xây dựng báo cáo bằng văn bản, trong đó cần đánh giá một cách chi tiết, cụ thể về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của hệ thống nhà thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp bộ đoàn trong việc tham gia đóng góp ý kiến, có những kiến nghị, đề xuất xác đáng tại các buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của nhà thiếu nhi cấp huyện.
Các ý kiến, đề xuất tại hội nghị sẽ được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội Đồng đội tỉnh tổng hợp đề xuất UBND tỉnh quan tâm, có hướng chỉ đạo trong xây dựng và phát triển hệ thống nhà thiếu nhi trong thời gian tới.