Hội thảo về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới

Chiều 8-8, tại Quảng Ninh, Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới - Chính sách và giải pháp thực hiện'.

Hội thảo tập trung vào các nội dung về thực trạng bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trên thế giới và tại khu vực vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Cát Bà của Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn, phát huy và khai thác các giá trị di sản thiên nhiên tại Việt Nam là nhận thức về mối quan hệ giữa di sản thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững của người dân và các cấp chính quyền còn hạn chế. Đồng thời, cách hiểu hạn hẹp về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên cũng dẫn đến hạn chế trong hành động. Hơn nữa, các thói quen trong sản xuất và sinh hoạt hằng ngày đã dẫn đến các vấn đề về ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường di sản thiên nhiên nói riêng.

TS Phạm Thị Trầm phát biểu tại hội thảo.

TS Phạm Thị Trầm phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, TS Phạm Thị Trầm, Viện Địa lý, Chủ nhiệm chương trình, thông tin về mộtsố nỗ lực của quốc tế trong việc bảo tồn các di sản thiên nhiên thế giới cũng như bài học từ thành công về bảo tồn di sản thiên nhiên tại Rạn san hô Great Barrier (Australia).

Theo TS Phạm Thị Trầm, để bảo vệ thành công di sản thiên nhiên thế giới là sự tổng hòa của các biện pháp như: Sự quản trị và hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, chính quyền địa phương và các bên có liên quan; có kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh học dài hạn và nỗ lực bảo tồn của cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn và khuyến khích các sáng kiến do cộng đồng khởi xướng…

 Quang cảnh Hội thảo “Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới - Chính sách và giải pháp thực hiện”.

Quang cảnh Hội thảo “Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới - Chính sách và giải pháp thực hiện”.

Hội thảo thống nhất nhận định, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, giúp mọi người hiểu được đầy đủ giá trị của di sản và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, qua đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và chuyển biến thành hành động. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã cung cấp các thông tin hữu ích về các chính sách và giải pháp thực hiện bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới và một số di sản thiên nhiên ở Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà...

Tin, ảnh: PHƯƠNG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/hoi-thao-ve-bao-ve-moi-truong-di-san-thien-nhien-the-gioi-788725