Hội viên Hội nông dân phường Thiệu Khánh làm kinh tế giỏi
Với sự nhạy bén, năng động, chịu thương chịu khó ham học hỏi, ông Nguyễn Văn Tuyên, khu phố 9, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) đã thành công với mô hình trồng nấm sò, mộc nhĩ, nấm đùi gà, bào ngư, linh chi… tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức lương ổn định, cuộc sống của gia đình ông ngày một đầy đủ.
Năm 1998, nhận thấy nghề trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các nghề khác, đồng thời tạo nguồn thu ổn định cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, ông Tuyên đã quyết định đưa cây nấm vào trồng. Với vốn kiến thức mà ông đã tích lũy được từ những lần đi tham quan các mô hình trồng nấm ở nhiều tỉnh, ban đầu ông chỉ trồng thử nghiệm với số lượng ít, để thăm dò thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu. Sau một vụ trồng thấy hiệu quả, cây nấm sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao, ông rất mừng.
Năm 2010, ông bàn với vợ và các con thuê lại 3.000m2 đất của phường để mở rộng quy mô sản xuất với mô hình trồng nấm. Vốn chăm chỉ, chịu thương chịu khó, ham học hỏi, ông đã được địa phương cho thuê đất để trồng nấm. Ông Tuyên bắt tay vào đầu tư xây dựng nhà xưởng với số tiền là 500 triệu đồng, phân ra làm 5 khu: nhà trại nuôi trồng nấm sò, các giàn treo bằng sắt chắc chắn, nhà giống, lò thanh trùng, văn phòng, cùng với đầy đủ máy móc, trang thiết bị đảm bảo khối lượng sản xuất 10 nghìn bịch nấm mỗi năm.
Ông Tuyên chia sẻ: Trồng nấm không quá phức tạp, cần sự chăm chỉ, chịu khó và quan trọng là cần nắm rõ quy trình, kỹ thuật trong cách trồng và chăm sóc. Chính vì vậy, trong sản xuất ông luôn tuân thủ từng công đoạn, từ nguồn nguyên liệu, giống, sấy hấp, chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm, tiêu chí nhiệt độ, ánh sáng, làm mát...
Quá trình trồng và sản xuất các loại nấm đều được đảm bảo 100% sạch, không sử dụng thuốc kích thích, nói không với sử dụng chất bảo quản. Chính vì vậy mà nấm không bị sâu bệnh ngay từ lúc sinh trưởng, nguồn cung cấp ra thị trường luôn sạch và an toàn vệ sinh. Sản phẩm sản xuất ra đấn đâu được tiêu thụ hết đến đó, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu lời từ 200-300 triệu đồng, tạo việc làm cho 7-10 lao động ở địa phương, với mức thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ông cho biết: Nhờ vào kinh nghiệm và sản xuất theo quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật, sản phẩm nấm của ông luôn đạt chất lượng chuẩn, được người tiêu dùng tin tưởng, thị trường tiêu thụ mở rộng ra các tỉnh Hà Nội, Nghệ An và các đại lý trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc nuôi trồng nấm, ông còn chuyển giao công nghệ cho một số đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Trong thời gian tới, ông sẽ mở rộng nâng cấp nhà xưởng, xây dựng đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, khép kín điều khiển tự động để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, hi vọng mô hình trồng nấm của gia đình ông Tuyên sẽ sớm xây dựng thành sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng của phường Thiệu Khánh.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Văn Tuyên còn là người năng động, nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động, phong trào của địa phương. Với vai trò là hội viên Hội Nông dân phường Thiệu Khánh, bản thân ông luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong việc trồng nấm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các trường hợp khó khăn muốn học nghề và ở lại làm việc. Nhìn thấy quê hương ngày một phát triển, ông luôn ý thức rằng mình còn sức khỏe thì còn phải cống hiến.
Với những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Tuyên đã được UBND tỉnh, UBND thành phố, Hội Nông dân TP Thanh Hóa... tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen; nhiều năm liên tục gia đình ông đạt danh hiệu gia đình làm kinh tế giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố.