Hôm nay 29/5, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, chống lãng phí

Hôm nay 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024… Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023…

Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường.

Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường.

Cụ thể, các đại biểu Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024”;

Quốc hội cũng thảo luận về: Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

* Trước đó, Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Nhiều đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. GDP quý I/2024 tăng 5,66%, mức tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên theo các đại biểu, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu quan ngại trước tình trạng hạn hán, thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt, xâm ngập mặn nghiêm trọng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề quản lý thị trường vàng; chi phí logistic; các động lực mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh còn mờ nhạt; công tác chuẩn bị đầu tư của các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ đến chất lượng của các công trình, dự án…

Đặc biệt, nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng khó khăn của doanh nghiệp kéo theo hàng loạt các hệ lụy về giải quyết việc làm, thu ngân sách nhà nước. Lần đầu tiên trong 5 năm ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong bốn tháng đầu năm thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Từ đó, các đại biểu đặt vấn đề phục hồi kinh tế chất lượng như thế nào và những chính sách để kích thích, để hỗ trợ cho doanh nghiệp như thế nào.

Do đó, các đại biểu đề nghị phân tích làm rõ để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, bồi dưỡng, nuôi dưỡng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nội địa. Cần quan tâm một cách thực chất đến chất lượng, sức khỏe của doanh nghiệp đủ để chống chọi với những biến động của thị trường thế giới, thay vì chạy theo phát triển số lượng.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; không dám làm, không dám quyết…

Dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có các giải pháp kích cầu hiệu quả cho nền kinh tế. Đồng thời, chủ động tính toán nhiều kịch bản ứng phó với các biến động khó lường từ bên ngoài.

* Về Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, sáng 22/5, Quốc hội đã nghe trình bày các báo cáo và báo cáo thẩm tra.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2023 đã có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025.

Cụ thể, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương năm 2023 đạt 50,9% (đạt mục tiêu 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030).

Tỷ trọng lao động nữ làm việc khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm giảm xuống còn 26,22%. Đạt và vượt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 là giảm xuống dưới 30%.

Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 là 28,2%. Đạt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025. Duy trì và đạt 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.

Tỷ lệ cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đạt 100%, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 70% vào năm 2025. Tỷ suất sinh ở vị thành niên năm 2023 là 15,4‰. Năm 2022 chỉ tiêu này là 15,9‰. Đạt chỉ tiêu Chiến lược đề ra đến năm 2025 (dưới 18‰ vào năm 2025)…

Bên cạnh nhóm chỉ tiêu đạt và vượt, vẫn còn 4 chỉ tiêu còn khoảng cách với mục tiêu đề ra đến năm 2025, bao gồm: Tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản, tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới; tỷ lệ các địa phương đạt chỉ tiêu tuyên truyền về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.

Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay và chưa đạt được chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lao động nữ còn chiếm phần lớn trong các ngành nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức, thu nhập bình quân thấp hơn so với lao động nam.

Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm, chỉ tiêu này cũng khó đạt vào năm 2025, sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp.

Nêu những thách thức với vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thúy Anh cũng kiến nghị một số giải pháp cụ thể đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng như 10 bộ, ngành; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội khác.

* Về Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023, chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, các bộ, ngành đã giảm được 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 Cục và 144 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong Vụ/Ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Các địa phương giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

"Tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập. Số đối tượng tinh giản biên chế năm 2023 là 7.151 người".

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, quy định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 30 văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính.

"Tuy nhiên, việc cắt giảm thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt; thủ tục hành chính một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Việc sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập", ông Phớc nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra đánh giá công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm, còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí. Bên cạnh đó, công tác tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất tại một số địa phương còn chậm.

"Việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý. Việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu, chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương chưa cao. Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155 ha chưa được xử lý", ông Mạnh nói.

Do đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề xuất Chính phủ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư.

Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; phê duyệt phương án kinh doanh, liên kết kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí, thất thoát và nguy cơ tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tài sản công, lao động,…

Mặt khác, Chính phủ cần quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương.

Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hom-nay-295-quoc-hoi-thao-luan-ve-ket-qua-thuc-hien-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-ngan-sach-nha-nuoc-chong-lang-phi-272954.html